Phát triển nguồn nhân lực KHCN trẻ cần những giải pháp đột phá
Ngày 3/12/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) là một việc làm quan trọng, quyết định sự thành bại cho nền kinh tế số ở Việt Nam.
Hiện nay, theo số liệu thống kê, Việt Nam có 1.001 tổ chức KHCN ở trung ương, chiếm tỉ lệ 66,1% và 512 tổ chức KHCN ở địa phương, chiếm tỉ lệ 33,9%. Số lượng các tổ chức KHCN tuy nhiều nhưng số lượng tập thể KHCN mạnh rất ít…
Đầu tư của Nhà nước chỉ khoảng 0,6 GDP, tương đương khoảng 2% nguồn chi Ngân sách Nhà nước cho phát triển KHCN. Trong đó, gần 90% dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ còn lại một khoản kinh phí quá ít ỏi dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sự đầu tư này là quá ít so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước như: Isarel và Hàn Quốc là 4,5%; Nhật Bản là 3,2%; Trung Quốc là 2,1%…
Đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của nền kinh tế, mặc dù đạt được những thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm hạn chế, như: Thiếu các sản phẩm, thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm xuất khẩu chính do người Việt sản xuất có giá trị gia tăng còn thấp, các sản phẩm công nghệ cao phần lớn do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm chủ, khu vực nội địa tham gia vào chuỗi toàn cầu còn hạn chế.
Với quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, doanh thu hạn chế, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ tập trung cho những hoạt động sản xuất kinh doanh cho lợi nhuận trước mắt; trong khi đó, năng lực khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp là yếu tố quyết định năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, quan tâm, đầu tư đúng mức.
Theo TS. Trần Thị Hoa Thơm (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc thiếu hệ sinh thái kết nối giữa đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu, cũng như các chương trình đào tạo chuyên sâu làm giảm cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và hợp tác quốc tế cho nhân lực KHCN trẻ. Bên cạnh đó, chảy máu chất xám và khó cạnh tranh về thu nhập đãi ngộ khiến việc giữ chân tài năng trở nên khó khăn.
Khẳng định nhân lực KHCN trẻ là yếu tố then chốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo TS. Trần Thị Hoa Thơm, để phát huy tối đa tiềm năng của lực lượng này, cần có giải pháp đột phá trong cải cách cơ chế chính sách; đổi mới giáo dục đào tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; chuyển đổi mô hình lao động, tạo ra môi trường làm việc sáng tạo và hội nhập quốc tế và đầu tư vào công nghệ cao và phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, có 3 khó khăn lớn nhất trong đầu tư phát triển KHCN tại Việt Nam là thiếu vốn, chi phí nhiều (55,6% doanh nghiệp được khảo sát), thiếu kinh phí đầu tư công nghệ mới (51,8%) và thiếu nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Hùng (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng) đưa ra giải pháp cho nhân lực KHCN trẻ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp đầu tư cho KHCN; đảm báo sự bình đẳng trong tiếp cận chính sách về đào tạo, thu hút, đánh giá, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh nhân lực KHCN trong khu vực doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển đủ mạnh, nhất là về qui định, thủ tục hỗ trợ ưu đãi…
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) cho rằng tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và làn sóng công nghệ mới sẽ có những tác động thuận lợi đến việc phát triển nguồn nhân lực KHCN trẻ ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
TGA