Phát triển kinh tế xanh cần khơi thông nút thắt chuyển dịch năng lượng
Việt Nam đang bước vào giai đoạn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh mạnh mẽ sâu rộng tới các lĩnh vực ngành nghề, tuy nhiên đạt được điều này cần tháo gỡ các “nút thắt” về chuyển dịch năng lượng.
Mục tiêu
Mới đây, ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2023, làm cơ sở giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Theo đó, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ bao gồm 4 mục tiêu chính gồm: Mục tiêu 1 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Mục tiêu 2 là xanh hóa các ngành kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng: tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước. Mục tiêu 3 là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu 4 là xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Góp ý cho 4 mục tiêu trên các chuyên gia cho biết, chuyển dịch năng lượng sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện trọn vẹn 2 trong 4 mục tiêu trên. Vì lượng phát thải khí nhà kính ở lĩnh vực năng lượng đang chiếm tỷ lệ lớn nhất. Cụ thể sẽ chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67.7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73.1% và 79.7% vào năm 2030 theo kịch bản thông thường (số liệu từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương).
Trước đó, cùng 150 quốc gia, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về vấn đề chuyển dịch năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngay sau Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng và quyết liệt bằng việc ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cùng với đó ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngày 15/5/2023 Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), có ưu tiên phát triển tối đa các nguồn năng lượng tái tạo.
Góp phần thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng, tại Quy hoạch điện VIII, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đã đặt ra kế hoạch cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050 và bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây cảnh báo về tình hình thiếu điện. Cụ thể như từ tháng 5 -7 vừa qua tại một số tỉnh, thành của cả nước đã thiếu điện trầm trọng điện cho sản xuất.
Theo ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5 và 6 vừa qua là khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%.
Do đó để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, WB khuyến nghị Việt Nam cần giải quyết nhanh bài toán tận dụng bổ sung nguồn điện từ năng lượng sạch vào nguồn cung bằng cách cho vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025, đồng thời xử lý nhanh quy trình phê duyệt, triển khai đầu tư về hệ thống truyền tải.
Như vậy vừa phải đảm bảo điện cho nền kinh tế vừa phải thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn thì nguồn năng lượng tái tạo cần được quan tâm thúc đẩy phát triển. Đặc biệt là nguồn năng lượng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp được đầu tư lắp đặt cho nhu cầu tự sử dụng.
Tháo gỡ “nút thắt”
Đề xuất về nhu cầu xanh hóa, ông Chu Đức Anh – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Quá trình chuyển dịch dần sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp là một quá trình cần thiết và có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc, trong đó có thể kể đến như:
Khó khăn về chính sách và quy hoạch; các chính sách và quy hoạch ngành năng lượng cần phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán và minh bạch để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển và vận hành các dự án năng lượng xanh. Tuy nhiên, các quy định hiện nay còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thành một khung chính sách rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Ông Vũ Quang Thắng, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nên được khuyến khích như nhau giữa các đối tượng. Bởi có hai lý do doanh nghiệp muốn đầu tư loại năng lượng này là vì doanh nghiệp muốn chủ động trong cung cấp điện, không phải lo cúp điện như đợt nắng nóng vừa qua, vừa có nguồn năng lượng xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn về đơn hàng xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dự báo sẽ thiếu điện cho sản xuất và cắt điện luân phiên để giảm phụ tải vào đợt cao điểm nắng nóng.
Để huy động nguồn điện và tận dụng nguồn điện phân tán, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà, nghiên cứu để mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài trường hợp mái nhà dân, văn phòng công sở như Quy hoạch điện VIII khuyến khích, thì sắp tới sẽ mở rộng thêm cho nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ xây dựng Dự thảo Nghị định lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về chính sách riêng cho điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp và trình Chính phủ xem xét để ban hành.
Tuy vậy, nhưng theo các doanh nghiệp ban hành chính sách riêng cho điện mặt trời trong khu công nghiệp cũng không thể nhanh chóng được, vì còn vướng rất nhiều thủ tục cần soạn thảo, sửa đổi, bổ sung để xây dựng, ban hành Nghị định, áp dụng cơ chế riêng cho lĩnh vực sản xuất và khu công nghiệp.
Có thể nói trước những yêu cầu cấp bách của mục tiêu kinh tế xanh, chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu, nếu Việt Nam chuyển đổi thành công thì đây không chỉ bước đệm giúp doanh nghiệp sản xuất đạt tỷ lệ xanh hóa theo lộ trình đã hoạch định, mà còn là điểm sáng để thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Vì mục tiêu giảm phá thải ròng các Tập đoàn sản xuất luôn hướng tới chiến lược xanh hóa trong sản xuất giành lợi thế cạnh tranh, cũng như sớm đạt chỉ tiêu hoạt động hiệu quả, bền vững. Đơn cử, như Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên ở trong nước vừa xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế về trung hòa carbon – PAS 2060. Ngoài ra, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương cũng đã đầu tư nhà máy trị giá 1 tỷ USD áp dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại, sử dụng tối đa năng lượng tái tạo mở ra xu hướng sản xuất xanh tiên phong kiểu mẫu cho các Tập đoàn FDI tại Việt Nam.