Phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa hướng tới đô thị du lịch sạch Asean
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp, hướng tới đô thị du lịch sạch Asean” nhằm thảo luận các giải pháp thực tiễn góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Sa Pa thành khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.
Đây là một trong các hoạt động thuộc chuỗi sự kiện “Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội”, với mục đích xúc tiến, quảng bá, giới thiệu văn hóa – du lịch Sa Pa đến với công chúng và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội. Ngày hội diễn ra từ ngày 5-7/4/2024 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội; ông Vũ Quốc Trí – Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Thào A Sinh – Phó Bí thư thường trực Thị ủy Sa Pa; ông Tô Ngọc Liễn – Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp…
Sa Pa là thị xã trẻ của tỉnh Lào Cai với 16 đơn vị hành hành chính (gồm 10 xã và 6 phường), vị trí địa lý nằm trên trục quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu, là cửa ngõ giữa hai vùng Đồng Bắc và Tây Bắc. Với diện tích 684,73 km2, dân số 72.070 người gồm 6 dân tộc chính (Hmông, Dao, Kinh, Tày, Giáy, Xa phó) và một số dân tộc khác.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, Sa Pa có khí hậu trong lành, mát mẻ mang sắc thái Châu Âu hội tụ 4 mùa trong một ngày, làm điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa Hè và là nơi khám phá, trải nghiệm tuyết độc đáo vào mùa đông. Nhiều địa danh du lịch của Sa Pa đã được đánh giá, bình chọn với những danh hiệu ấn tượng: 1/10 tuyến đường mòn tuyệt vời nhất thế giới; 1/7 ruộng bậc thang đẹp – kỳ vĩ nhất châu Á và Thế giới; 1/100 thị trấn đẹp nhất thế giới; 1/5 điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam; 1/10 diểm du lịch hấp dẫn nhất Đồng Nam Á…
Để thực hiện mục tiêu đón 6 triệu lượt khách với tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 27.000 tỷ đồng đến năm 2025, thị xã Sa Pa tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
Xây dựng hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe kết nối du lịch, đầu tư các điểm đón tiếp và cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trên 3 trục đường chính kết nối với Sa Pa. Đầu tư 7 hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của Đô thị du lịch sạch Asean. Xây dựng các công trình Quảng trường gắn với Trung tâm hội nghị, Sân vận động, Rạp chiếu phim, thư viện, Bảo tàng …
Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn Asean gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã. Phát triển sản phẩm du lịch hội nghị đạt tiêu chuẩn điểm du lịch Mice Asean.
Tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa thông qua khai thác các cơ sở du lịch Sa Pa thành trung tâm cung cấp thông tin, tư vấn các dịch vụ du lịch. Tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa thể thao mang tính thương hiệu riêng cho Sa Pa (Du lịch 5 mùa; Festival Thổ cẩm; Du lịch tình yêu; Festival hoa Sa Pa; Giải Marathone, đua xe đạp quốc tế…), đăng cai tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề du lịch, đón các hãng lữ hành và giới báo chí để trải nghiệm giới thiệu về Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Áp dụng các chương trình khuyến mại đặc biệt cho du khách trong nước, quốc tế tại Sa Pa nhằm khắc phục tính mùa vụ du lịch… Tăng cường hợp tác, liên kết trong nước, quốc tế trong xúc tiến và quảng bá du lịch.
Thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng thuộc UBND thị xã nhằm giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo đám du khách. Tổ chức rà soát các đối tượng, nắm bắt nhu cầu việc làm phù hợp để hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm cho cộng đồng. Hình thành các điểm bán hàng tập trung và các tuyến phố đi bộ để tạo điều kiện cho cư dân bán hàng, tăng thu nhập. Xây dựng chế tài xử lý phù hợp đảm bảo tính nhân văn và răn đe.
Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành những sản phẩm hàng hóa, quà tặng lưu niệm; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang và Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, di tích Hạng động Tả Phìn, Tu Viện Tả Phìn, Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền hàng phố.
Tổ chức các lễ hội và nghi lễ truyền thống phụ vụ du lịch. Bảo tồn, khai thác nghệ thuật dân gian. Nghiên cứu phát triển ẩm thực truyền thống các dân tộc thành các món ăn phục vụ du lịch. Sưu tầm các trò chơi, môn thi đấu thể thao dân gian nhằm tăng cường trải nghiệm với du khách.
Ngoài chương trình Hội thảo, Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội còn có nhiều hoạt động khác diễn ra trong 3 ngày (5/4-7/4/2024): Biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ và dân nhạc các dân tộc Sa Pa; Giới thiệu, trình diễn nghề và các sản phẩm nghề thủ công truyền thống các dân tộc Sa Pa; Giới thiệu các điểm du lịch và sản phẩm du lịch đặc sắc, các chương trình khuyến mãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân Thủ đô; Khai trương không gian Văn hóa Du lịch Sa Pa; Chương trình nghệ thuật “Vũ điệu dưới trăng”; Tái hiện không gian chợ phiên và chợ tình Sa Pa “Điểm hẹn – Chợ tình”.
Minh Quân