Phát triển công nghiệp bán dẫn:  Không thể thiếu công nghiệp hỗ trợ

Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Phát triển công nghiệp bán dẫn:  Không thể thiếu công nghiệp hỗ trợ
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt đánh giá, Việt Nam có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu… Thời gian qua, Việt Nam cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chíp bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm cả các dự án sản xuất chip.

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Cuối tháng 2/2024, NIC và Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens EDA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Theo đó, Siemens EDA sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất của Siemens cho Việt Nam thông qua NIC. Bộ giải pháp công nghệ toàn diện của Siemens EDA về thiết kế và sản xuất các loại chip bán dẫn, bo mạch điện tử với sự tham gia mạnh mẽ của AI sẽ giúp các doanh nghiệp thiết kế nhanh hơn các sản phẩm điện tử phức tạp hơn và thông minh hơn.

Cần đánh giá đúng lợi thế, đẩy mạnh hoạt động CNHT

Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu chỉ nhập công nghệ, máy móc về gia công thì Việt Nam chưa thể có ngành công nghiệp bán dẫn. Cũng không nên ảo tưởng, là chúng ta có nhiều thế mạnh, tiềm lực to lớn…, có thể đi tắt đón đầu, nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.

Thực tế, đang có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt cơ sở sản xuất vi mạch tại Việt Nam nhưng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, mô hình tổ chức quản lý là của họ đem tới. Chúng ta chỉ tham gia ở giai đoạn cuối của quy trình sản xuất là kiểm thử và đóng gói. Thực tế cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền, với các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể cạnh tranh và đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.

Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm (đứng thứ hai thế giới với trữ lượng 22 triệu tấn) thì có thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn một cách nhanh chóng. Thực tế không phải vậy. Đất hiếm là nguyên liệu để sản xuất nhiều loại chất bán dẫn, nhưng đòi hỏi đầu tư bài bản và nhiều công nghệ khác nhau (cái mà Việt Nam đang không có) để chế tạo, tinh chế. Vì vậy, xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có thiết kế hay sản xuất chất bán dẫn… mà có nhiều công đoạn khác, liên quan tới các ngành công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ cho bán dẫn là tập hợp các ngành công nghệ, có tác dụng hỗ trợ và tham gia từ nghiên cứu, thiết kế tới gia công, chế tạo chuỗi các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử.

Công nghiệp bán dẫn không chỉ là sản xuất các chất bán dẫn, các tấm wafer và các chip điện tử. Ngay cả để làm được các sản phẩm này, cũng cần các ngành công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm vô cùng quan trọng cho công nghiệp bán dẫn. Trong đó, phải kể đến các hệ thống cơ khí chính xác, các hệ thống máy CNC, hệ thống điều khiển tự động trong các dây chuyền chế tạo chất bán dẫn, các máy quang khắc chế tạo vi mạch, các hệ thống máy móc và công nghệ làm sạch chất bán dẫn, các hệ thống bốc bay, lắng đọng pha hơi khí…, thậm chí cả các hệ thống tạo chất nền, lưới bóng… Ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy cần tới hàng chục công nghiệp phụ trợ khác nhau và đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Muốn xây dựng công nghiệp bán dẫn, chắc chắn phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.

Dự thảo Chiến lược, Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phải có danh mục các ngành công nghiệp phụ trợ cần phát triển và xây dựng song hành, thậm chí đi trước một bước so với công nghiệp bán dẫn. Nếu không, sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.

Điều này làm chúng ta không những mất đi nguồn thu lớn, mà còn bỏ lỡ thời cơ để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và không chủ động được quy trình công nghệ, sản xuất các sản phẩm bán dẫn.

Theo dõi quá trình đầu tư xây dựng sản xuất của Intel và Samsung tại Việt Nam, có thể thấy, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác tối đa tiềm lực sản xuất của các tập đoàn lớn, do ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, không đáp ứng được đòi hỏi sản xuất của Intel và Samsung” lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho công nghiệp bán dẫn, bên cạnh năng lực về công nghệ, cũng cần phải được trang bị các hệ thống máy móc tinh vi và hiện đại nhất. Trong tương lai gần, chúng ta chưa thể chế tạo được các hệ thống máy móc này mà phải nhập khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn phải gấp rút xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để có thể nắm thế chủ động trong sản xuất và cải tiến công nghệ. Việc này cũng cần sự hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược, mới có thể thành công.

Lê Hiền 

 

 

 

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button