Parkson và cái kết buồn của các nhà bán lẻ ngoại
Mới đây, Parkson Việt Nam đã nộp đơn xin phá sản, thêm một sự kết thúc của nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam ngay cả khi được đánh giá cao.
“Cái chết” của Parkson
Theo một thông cáo báo chí, công ty mẹ Parkson Retail Asia cho biết trung tâm thương mại này “có lịch sử hoạt động thua lỗ, với những khoản lỗ như vậy được cộng dồn trong những năm gần đây do môi trường kinh doanh đầy thách thức từ hậu quả của đại dịch COVID-19”.
Nhà bán lẻ nhấn mạnh “việc thiếu hỗ trợ từ các chủ nhà của Parkson Việt Nam, chẳng hạn như giảm giá thuê hoặc giảm tiền thuê không đáng kể trong thời gian đóng cửa vì COVID-19 khi hoạt động của các cửa hàng của Parkson Việt Nam bị hạn chế, đã tác động xấu đến tài chính của Parkson Việt Nam”. Đồng thời công ty mẹ của Parkson Việt Nam còn cho biết thêm: “thuế đất cao do chính quyền địa phương áp đặt cũng làm tăng thêm khó khăn tài chính của Parkson Việt Nam”.
Tất cả điều này đã giống như “cọng rơm trên lưng con lạc đà”, khiến Parkson Việt Nam buộc phải nộp đơn xin phá sản.
Cuộc chơi dở dang…
Parkson là thành viên của Lion Group, một tập đoàn quốc tế được thành lập vào năm 1930 tại Malaysia. Công ty hiện đang điều hành các cửa hàng tại Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Mexico, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Khai trương cửa hàng đầu tiên Parkson Saigon Tourist Plaza vào năm 2005 tại TP. HCM. Khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Parkson nuôi tham vọng thống lĩnh một trong những thị trường bán lẻ triển vọng nhất châu Á. Ở vào thời hoàng kim, nhà bán lẻ này có tổng cộng 10 trung tâm trải dài trên toàn quốc, trong đó có sáu cửa hàng tại TP. HCM, hai cửa hàng tại Hà Nội và một cửa hàng tại Hải Phòng và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo thời gian, lượng khách đến các trung tâm thương mại của Parkson giảm sút khiến chủ đầu tư thua lỗ nặng nề. Năm 2015, Parkson rời Keangnam Hanoi Landmark Tower để cắt lỗ, đánh dấu việc đóng cửa đầu tiên của các hoạt động thương mại tại Việt Nam. Sau đó một năm, Parkson Paragon ở quận 7, TP.HCM là cửa hàng thứ hai đóng cửa, tiếp đó là Parkson Viet Tower ở Hà Nội, Parkson Flemington ở Quận 11 và Parkson Cantavil cũng lần lượt theo nhau đóng cửa.
Hoạt động kinh doanh của Parkson Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2,3 triệu SGD (1,72 triệu USD) vào năm ngoái so với lợi nhuận trước thuế 13,7 triệu SGD (10,2 triệu USD) vào năm 2021. Doanh thu giảm xuống còn 2,4 triệu SGD vào năm ngoái, so với 10,1 triệu SGD vào năm 2021, với lợi nhuận của năm sau được giữ lại do việc đóng cửa hai cửa hàng và chấm dứt hợp đồng thuê nhà dẫn đến việc không ghi nhận các khoản nợ phải trả cho thuê và ghi nhận thu nhập từ hoạt động cho thuê lại tài sản.
Tính đến cuối năm ngoái, Parkson Việt Nam thâm hụt vốn 30,16 triệu SGD (gần 23 triệu USD). Do đó, tập đoàn này cho rằng “việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại”, buộc phải ngững cuộc chơi bằng việc nộp đơn xin phá sản.
Thị trường “khó nhằn” cho các nhà bán lẻ ngoại
Trên thực tế, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, hành vi tiêu dùng mạnh mẽ và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới, Việt Nam được coi là vùng đất giàu tiềm năng cho ngành bán lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường có nhiều sự cạnh tranh gay gắt cho tất cả những người chơi trong lĩnh vực này. Và trong môi trường cạnh tranh gay gắt đó, một số người chơi lớn cũng đã phải dứt áo ra đi.
Đầu tháng 6 năm 2019, gã khổng lồ bán lẻ Pháp là Auchan rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn Casino của Pháp đã bán Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Thái Lan vào năm 2016, gã khổng lồ Metro Cash & Carry của Đức cũng đã bán hoạt động kinh doanh bán buôn tại Việt Nam cho Tập đoàn TCC Thái Lan vào năm 2016 và Shop & Go, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Singapore đã chuyển nhượng 87 cửa hàng của mình cho Vingroup với giá 1 USD tượng trưng trong nửa đầu năm 2019.
Điểm chung của tất cả những ông lớn bán lẻ ngoại rút lui khỏi thị trường Việt Nam là đều vì thua lỗ liên tiếp trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam. Chỉ có Casino Group có thể được coi là một ngoại lệ vì lý do rời khỏi thị trường Việt Nam nằm trong chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ.
Nếu nhìn sâu hơn vào từng trường hợp riêng lẻ, có thể thấy điểm chung giữa những nhà bán lẻ thua lỗ và rời bỏ thị trường Việt Nam là do các chiến lược kinh doanh của họ không phù hợp với tâm lý và văn hóa của người Việt Nam.
Ví dụ, các siêu thị của Auchan chủ yếu nằm trong khu dân cư và do đó công ty không thể phát triển nhận diện thương hiệu trong nhận thức của khách hàng Việt Nam. Auchan đã tổ chức hệ thống siêu thị của mình theo cách nó chỉ được tạo ra để phục vụ những khách hàng sống gần siêu thị của mình và nó không phù hợp với những khách hàng sống ở những khu vực xa hơn và các nhu cầu của họ như mua sắm, vui chơi, ăn uống, xem phim v.v…
Trong trường hợp của Parkson, họ nhanh chóng bắt đầu thua lỗ sau khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam do tập đoàn này chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao, số lượng không nhiều và đặt trung tâm thương mại tại các tòa nhà sang trọng, đắt đỏ như Paragon, Keangnam Landmark, Cantavil An Phú…
Có thể nói, mặc dù lĩnh vực bán lẻ Việt Nam là một miếng bánh cực kỳ màu mỡ và dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên đó cũng là một nơi đặc biệt khó khăn nếu các nhà bán lẻ ngoại này không thực hiện việc phân tích thị trường và tìm hiểu văn hóa sâu hơn trước khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.