Nông sản Việt còn dư địa lớn ở EU

Tăng trưởng xanh và bền vững là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt đối với thị trường EU. Đạt được điều đó đòi hỏi nỗ lực và đầu tư lâu dài từ các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó chủ yếu đến từ một số ít mặt hàng như cà phê và hạt điều, trong khi dư địa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác còn rất lớn.
Nông sản Việt còn dư địa lớn ở EU

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Ywert Visser, Thành viên Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Eurocham (FAABS), để làm rõ thêm vấn đề này.

– Nhu cầu nhập khẩu nông sản của EU bị ảnh hưởng ra sao khi lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao, thưa ông?

Nhu cầu đối với các mặt hàng nhìn chung đã giảm ở châu Âu. Trong ngành hàng nông sản, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng châu Âu đối với cà phê, hạt điều, hay hải sản cũng đang giảm.

Tuy nhiên theo tôi, đến cuối năm 2023, nhu cầu với các mặt hàng này sẽ tăng trở lại. Thời điểm năm ngoái rõ ràng là một cú sốc về giá cả nhiều loại hàng hóa, chẳng hạn như điện hay nhiên liệu, nhưng hiện nay lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn, đồng thời người tiêu dùng cũng có nhiều tiền hơn để chi tiêu. Khi thị trường hồi phục trở lại, đó sẽ là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU.

– Ông đánh giá như thế nào về ưu điểm và hạn chế của nông sản Việt Nam xuất khẩu vào EU?

Nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với một số thách thức, điển hình như tập trung quá nhiều vào một số ít sản phẩm như cà phê hay hạt điều. Một hạn chế khác của Việt Nam là còn rất nhiều trang trại có quy mô nhỏ, manh mún, như hạt tiêu, hạt điều, cà phê hay gạo. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường…

Tuy nhiên, về mặt tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về nhu cầu của các thị trường châu Âu. Như 10 năm về trước, nhiều nông dân bảo tôi: “Tại sao tôi phải áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ? Tôi chỉ có thể sử dụng cách truyền thống của mình”. Giờ đây, họ đã hiểu được ý nghĩa của việc đó. Nếu họ đầu tư ngay bây giờ thì sau này họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ sản phẩm của mình.

Theo tôi, một điều tích cực nữa là tư duy của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cũng đang thay đổi. Họ đang thích nghi với những thông tin mới, công nghệ mới và các điều kiện mới của thị trường.

– Nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua chưa đạt tốc độ tăng trưởng như mong đợi. Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần làm gì để gia tăng giá trị xuất khẩu bằng chất lượng thay vì số lượng?

Đúng là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Một lý do chính là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng hết các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng nghiêm ngặt của EU. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Ví dụ, đạt được các chứng nhận như Global GAP, HACCP và ISO 9001 trong quá trình sản xuất và chế biến. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định của EU vì nó yêu cầu hầu hết những thứ mà EU cũng yêu cầu trong quá trình nhập khẩu, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cần giảm bớt sử dụng hóa chất và gia tăng chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực chế biến. Đầu tư vào công nghệ và cơ sở chế biến để sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn cũng sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường EU. Ví dụ, thay vì xuất khẩu toàn bộ trái cây, hãy chế biến chúng dưới dạng bán thành phẩm hoặc thành phẩm tại Việt Nam. Nếu bạn có hạt cà phê và chỉ bán hạt cà phê thô sang châu Âu, mức giá bạn nhận được sẽ rất thấp. Nhưng nếu bạn bán nó dưới dạng thành phẩm, bạn có thể có giá cao hơn.

Nông sản Việt còn dư địa lớn ở EU

Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp tại triển lãm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Âu. Ảnh: Đức Duy

Do việc nâng cấp công nghệ chế biến không đơn giản, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ có thể tìm sự hỗ trợ ở cấp địa phương, nơi cũng có nhiều chuyên gia và nhiều chương trình như SFV-Export sẽ hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc nắm bắt và hiểu được sở thích của người tiêu dùng EU cũng là một chìa khóa. Các nhà xuất khẩu nên nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu và xu hướng ở các nước EU; Tập trung vào các thuộc tính như hương vị hữu cơ, được trồng bền vững và hương vị lạ.

– Hiện nay, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng của mọi quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU. Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về vấn đề này?

Tăng trưởng xanh và bền vững là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt đối với thị trường EU. Đạt được điều đó đòi hỏi nỗ lực và đầu tư lâu dài từ các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Theo tôi, các nhà sản xuất ở Việt Nam cần được đào tạo và hỗ trợ về các phương pháp thực hành bền vững – chẳng hạn như giảm sử dụng thuốc trừ sâu, sản xuất thân thiện với môi trường,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tham vấn các chuyên gia, các công ty chuyên nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Công ty của tôi cung cấp các giải pháp giúp các trang trại chăn nuôi cải thiện sức khỏe vật nuôi và giảm việc sử dụng kháng sinh và thuốc thông qua các kỹ thuật quản lý trang trại sáng tạo.

Ngoài ra, việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp cũng có thể giúp những người nông dân đạt được quy mô sản xuất lớn và đủ khả năng được chứng nhận hữu cơ.

– Xin cám ơn ông!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button