Nôn nóng thành công, doanh nghiệp khó ra “biển lớn” toàn cầu
Chưa hiểu đủ nhu cầu khách hành nên ở giai đoạn đầu thử nghiệm đưa hàng ra thị trường, hiệu quả mang lại không như mong muốn, doanh nghiệp đã dừng lại.
Từ cú hích của đại dịch COVID – 19, thương mại điện tử đã trở thành kênh bán hàng mới của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, có nhiều sản phẩm Việt Nam đã đi ra toàn cầu qua từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu.
Ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá: đối với sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội cho các doanh nghiệp là như nhau, tất cả doanh nghiệp đều có thể truy cập và sử dụng. Trong những năm qua, thực tế từ hoạt động trên Amazon cho thấy nhiều doanh nghiệp có xuất phát điểm non trẻ nhưng đã đạt được thành công.
Quan trọng hơn, theo Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bán sản phẩm mà đã bắt đầu nhận thức, quan tâm và chú trọng nhiều hơn đến xây dựng thương hiệu để tăng giá trị hàng hoá, tăng lợi nhuận. “Chúng tôi ghi nhận tăng trưởng của các doanh nghiệp áp dụng đăng ký và bảo vệ xây dựng thương hiệu qua Amazon” – ông Gijae Seong cho hay.
Xây dựng thương hiệu cũng được nhấn mạnh khi đại diện Amazon đề cập cơ hội gia tăng cho ngành hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh hiện diện nhiều hơn trên thương mại điện tử xuyên biên giới để từ đó đưa nông sản ra quốc tế qua các kênh xuất khẩu trực tuyến nhiều hơn.
Đại diện Amazon đã chia sẻ câu chuyện thành công của một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trà xanh đến từ Singapore. Điểm khác biệt tạo chỗ đứng cho doanh nghiệp này trên thị trường quốc tế chính là nhờ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu dùng. Doanh nghiệp không chỉ bán dựa trên sản phẩm mà còn truyền tải câu chuyện thương hiệu chạm được tới khách hàng trên toàn cầu.
Từ trường hợp trên, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, để đưa nông sản xuất khẩu thành công qua thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần đáp ứng 2 yêu cầu. Thứ nhất, hiểu nhu cầu khách hàng quốc tế cần gì để đáp ứng chứ không thể bán theo kiểu: tôi có cái này, bạn mua đi. Thứ hai, xây dựng thương hiệu; hàng nông sản có thương hiệu sẽ tăng trưởng tốt và bền vững.
Không chỉ hàng nông sản, ông Gijae Seong cho biết thêm, cần tìm hiểu nhu cầu khách hàng một cách bền bỉ và thay đổi tư duy kinh doanh. Các doanh nghiệp ở mọi quy mô, có thể đối diện những khó khăn chung khi chưa tìm hiểu đủ và đúng về thị hiếu khách hàng quốc tế.
Đây là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam khi thường có tư duy cho rằng, sản phẩm đang bán rất tốt tại Việt Nam cũng sẽ có thể tốt ở các thị trường khác. Do đó, có một số doanh nghiệp mang nguyên sản phẩm đó ra quốc tế.
Song, thực tế là chúng ta phải bán hàng hoá, sản phẩm khách hàng cần, không phải bán hàng hoá, sản phẩm chúng ta có. Doanh nghiệp chưa tìm hiểu đủ về nhu cầu khách hàng nhưng lại nôn nóng thành công nên có thể dễ phải dừng lại ngay khi thử nghiệm ban đầu do chưa nhận được hiệu quả. Kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, bền vững.
Để các doanh nghiệp có thể vượt khó và tận dụng cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới, đại diện Amazon cho biết, cần đào tạo kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, chia sẻ cơ hội, kinh nghiệm để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường, yêu cầu của xuất khẩu online.