Những nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt Nam
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng, dưới sự lãnh đạo của những nữ doanh nhân tài năng và quyết đoán.
Các “nữ tướng” này không chỉ thể hiện bản lĩnh và sự nhạy bén trong kinh doanh mà còn là hình mẫu cho sự năng động, tiên phong trong việc đưa doanh nghiệp phát triển và vươn xa trên thị trường tài chính.
Doanh nhân, “nữ tướng” Mai Kiều Liên – TGĐ Công ty Cổ phần Sữa VINAMILK Việt Nam (HoSE: VNM) đã gắn bó gần 50 năm và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Vinamilk, một trong những công ty niêm yết hàng đầu Việt Nam trong ngành sữa.
Với hơn 30 năm ở cương vị người đứng đầu, nữ doanh nhân từng bước đưa doanh nghiệp trở thành một thương hiệu lớn và từng lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vinamilk hiện là doanh nghiệp sữa thuộc Top 36 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu; đồng thời là “Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới”, với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD (do Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu công bố tháng 8/2023). Doanh nghiệp đã xuất khẩu đa dạng sản phẩm đến gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến nay vượt 3 tỷ USD.
Về cá nhân, bà cũng nhận được hàng loạt giải thưởng, danh hiệu như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001); Anh hùng Lao động Thời Kỳ Đổi Mới (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006); 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn bốn năm liên tiếp từ 2012; 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 (Forbes Vietnam),nhận Huân chương độc lập hạng Ba (năm 2022)…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Sovico Group, P.Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank (HoSE: HDB) Tổng giám đốc VietJet Air (HoSE: VJC, là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà cũng là người sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet vào năm 2011 và đã từng bước xây dựng Vietjet dần lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực.
Chính Vietjet đã tạo nên một cú hích kích cầu cho nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam, vốn trước đây được coi là chỉ dành cho người giàu. Vietjet hiện có đường bay đến hầu khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á.
Không chỉ là “thuyền trưởng” hãng hàng không Vietjet Air (HoSE: VJC), bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của Sovico Group. Hiện bà là Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank), ngân hàng trong top 8 các ngân hàng niêm yết dẫn đầu vốn hóa trên thị trường.
Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo luôn là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong các bảng xếp hạng tỷ phú hay danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam có mặt đều đặn và liên tục trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (HoSE: REE) Nguyễn Thị Mai Thanh – một công ty niêm yết có tiếng trong ngành cơ điện lạnh. sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà Mai Thanh gia nhập REE với vị trí kỹ sư và trở thành lãnh đạo công ty từ năm 1985.
Bà đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc REE khi mới 30 tuổi. Khi đó đây chỉ là doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh. Một trong những bước ngoặt của REE dưới sự điều hành của bà Thanh là quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản với Tòa nhà văn phòng E-town 1 (quận Tân Bình, TP.HCM).
Tiếp nối thành công của E-town 1, bà Thanh tiếp tục đầu tư xây dựng E-town 2, 3, 4 (hoàn tất vào cuối năm 2006 và 2008) với 90% diện tích đã có khách thuê. Qua nhiều thăng trầm, REE hiện tại đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành cơ điện lạnh với vốn điều lệ hơn 3.500 tỷ đồng. Công ty này cũng thu được nhiều kết quả kinh doanh tích cực trong năm vừa qua với doanh thu và lợi nhuận ròng của năm 2023 đạt lần lượt 8.570 tỷ đồng và 2.188 tỷ đồng.
Doanh nhân Thái Hương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (HNX: BAB). Trong suốt hơn 20 năm đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm chức Phó Chủ tịch, bà đã đưa Bắc Á Bank trở thành một ngân hàng uy tín tại Việt Nam. Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản BacABank đạt 145.000 tỷ đồng.
Bà Thái Hương từng lọt vào top 50 người phụ nữ “Quyền lực nhất châu Á” do Forbes bình chọn. Ngoài việc là lãnh đạo của BacABank, bà Hương còn ghi dấu ấn khi giữ vai trò là nữ tướng CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk). Tại Việt Nam, TH là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch và là thương hiệu yêu thích của người tiêu dùng Việt Nam.
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh – “Nữ hoàng” cá tra, người con của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (tỉnh An Giang). Bà xây dựng Công ty TNHH Vĩnh Hoàn vào ngày 19/12/1997 tại tỉnh Đồng Tháp, nổi tiếng trên khắp các vùng sông nước và cả Việt Nam. Lúc đầu, phương thức hoạt động kinh doanh của công ty chỉ đơn thuần là gia công xuất khẩu vì chưa có xưởng để sản xuất. Chỉ sau 2 năm thành lập, Vĩnh Hoàn đã có được cơ sở để sản xuất và xuất khẩu đầu tiên.
Vào năm 2003, đây được xem là thời điểm bùng nổ đối với ngành xuất khẩu cá da trơn và là năm đánh dấu cột mốc cực kì quan trọng đối với công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) khi vươn lên đứng đầu kim ngạch xuất khẩu cá da trơn tại Việt Nam. 4 năm sau đó, công ty đã chuyển sang mô hình Công ty cổ phần và chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng một năm (HOSE: VHC).
Vị nữ doanh nhân đang nuôi tham vọng mở rộng thêm thị phần thông qua những mối quan hệ rộng rãi đến từ khắp Châu Âu, trở thành một tập đoàn đa quốc gia được nhiều người biết đến.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn