Những khó khăn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần qua đi
Mặc dù lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn khá lớn, nhưng theo đánh giá của PHS, năm khó khăn nhất của thị trường TPDN đã qua đi và đã có những dấu hiệu tích cực hơn.
Dẫn số liệu từ HNX, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, tính đến ngày 30/11/2023, có 44 đợt phát hành Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 11, tăng 63% so với tháng trước và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về giá trị, tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 11 là 35.708 tỷ đồng, tăng 28,1% so với tháng trước và tăng gấp 17 lần sơ với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài tháng 9, tháng 11 cũng là một tháng ghi nhận mức phát hành TPDN tăng mạnh trong gần 1,5 năm trở lại đây.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 216.984 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ, do hoạt động phát hành TPDN chỉ mới tích cực hơn kể từ tháng 6. So với giai đoạn năm 2021, thời kỳ đỉnh cao của phát hành TPDN, thị trường 6 tháng cuối năm 2023 mặc dù đã có sự hồi phục nhưng chưa thực sự ổn định trở lại.
Trong tháng 11, nhóm Ngân hàng vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, với 52% tổng giá trị phát hành, nhóm Bất động sản chỉ chiếm 6%, còn lại tập trung chủ yếu vào nhóm ngành Sản xuất, Hàng không và Xây dựng. Điều này phần nào cho thấy sự khởi sắc trong việc phát hành TPDN của những nhóm ngành này.
Theo PHS, trong nhóm ngành Ngân hàng, 4 Ngân hàng phát hành với khối lượng lớn nhất trong tháng 11 được ghi nhận bao gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK). Nhóm bất động sản trong tháng chỉ có CTCP Vinhomes phát hành 2.000 tỷ đồng TPDN. Tháng 11 cũng ghi nhận lô phát hành Trái phiếu lớn đến từ CTCP Ô tô Trường Hải với tổng giá trị là 8.680 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán PHS cho rằng, thị trường ổn định trở lại cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn trong năm đã tạo áp lực, thúc đẩy các tổ chức phát hành quay trở lại kênh phát hành TPDN để huy động vốn. Các đợt phát hành TPDN trong tháng có lãi suất trung bình 8,2%/năm, giảm nhẹ so với mức lãi suất 8,3% trong tháng 10.
Theo đó, lãi suất phát hành trung bình của nhóm Ngân hàng quanh 6,8% với kỳ hạn 7,2 năm (mức lãi suất thấp nhất so với toàn thị trường). Lãi suất phát hành của nhóm Bất động sản (BĐS) là 12%. Các nhóm còn lại duy trì mức lãi suất bình quân quanh 10,5% – 11%/năm với kỳ hạn bình quân 4-5 năm.
Cũng theo PHS, trong tháng 11, hoạt động mua lại TPDN của các doanh nghiệp đã giảm 38,2% so với tháng trước, đạt 10.834 tỷ đồng. Hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu vẫn tiếp tục duy trì tích trong tháng 11 khi lượng TPDN đáo hạn trong tháng 12 khá áp lực. Trong đó, 62% giá trị đáo hạn đến từ nhóm Ngân hàng, 24% từ nhóm BĐS, 14% đến từ các nhóm còn lại.
Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 cũng tương đối lớn với hơn 380 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhóm BĐS và Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ trọng lần lượt là 34% và 36%. Tuy nhiên, PHS đánh giá, năm khó khăn nhất của thị trường TPDN đã qua đi, đã có những dấu hiệu tích cực hơn đối với thị trường này.
Đơn vị này cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, riêng đối với lãi suất huy động 12 tháng của nhóm Ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức trước dịch. Dự kiến mức lãi suất thấp này có thể duy trì trong thời gian dài trong năm 2024. Thêm vào đó, các doanh nghiệp đã quay lại phát hành trái phiếu kể từ tháng 6 đến nay khá tích cực, các doanh nghiệp yếu kém đã dần được sàng lọc ra khỏi thị trường.
“Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm những khó khăn nhất trên thị trường TPDN đã dần qua đi. Dự kiến lãi suất phát hành của toàn thị trường sẽ tiếp tục giảm từ từ qua các tháng. Hoạt động mua lại TPDN của các tổ chức phát hành cũng tiếp tục được thực hiện trong các tháng tới khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp”, PHS nhận định.