Nhu cầu nội địa tăng cao, động lực tăng trưởng giá thép nửa cuối năm 2025
Theo MBS Research, nhu cầu tiêu thụ tốt tiếp tục trở thành động lực cho giá thép nội địa trong nửa sau năm 2025 dù giá thép Trung Quốc chưa có tín hiệu phục hồi.
Ông Lê Hải Thành, chuyên viên phân tích MBS Research cho biết, thị trường nội địa dự báo ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép khoảng 22% so với cùng kỳ, lên mức 7,1 triệu tấn, trong đó chiếm 60% đến từ thép xây dựng và HRC. Cụ thể hơn, nhờ giải ngân vốn đầu tư công và nguồn cung bất động sản tăng trưởng tích cực, dự báo tiêu thụ thép xây dựng có thể tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, lên mức 3,1 triệu tấn trong mùa cao điểm của quý II/2025.

Đối với thép HRC, việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời mức 19% – 28%, đã làm giảm chênh lệch giá của thép Trung Quốc đối với thép Việt Nam khoảng 22% so với cùng kỳ, xuống mức 50 USD/tấn và điều này khiến HRC nội địa có thể cạnh tranh về giá đối với hàng nhập khẩu.
Theo thông tin từ Hòa Phát, hiện nay tỷ trọng HRC nội địa sử dụng trong các doanh nghiệ tôn mạ đã tăng lên 40% (từ mức 15% – 20% cùng kỳ năm 2024). Nhờ áp thuế chống bán phá giá và đóng góp thêm đến từ nhà máy Dung Quất 2, sản lượng tiêu thụ HRC trong quý II/2025 của Hòa Phát có thể đạt 2,2 triệu tấn, tăng 40% so với cùng kỳ.
“Do các thị trường xuất khẩu như EU và Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam kể từ cuối quý I/2025, sản lượng xuất khẩu toàn ngành dự báo giảm 20% so với cùng kỳ, về mức 1,5 triệu tấn. Do đó, chúng tôi dự báo các doanh nghiệp phục thuộc vào xuất khẩu sẽ bị tác động tiêu cực tới giá và sản lượng”, ông Lê Hải Thành đánh giá.
Về giá thép, chuyên gia của MBS Research cho biết, giá thép duy trì ổn định trong quý II, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhẹ tác động tích cực tới biên gộp của các doanh nghiệp trong quý II/2025, giá thép nội địa duy trì ổn định do nhu cầu đang ở mức cao và tác động tích cực từ thuế chống bán phá giá. Giá thép xây dựng đi ngang so với cùng kỳ và tăng nhẹ 1% so với quý trước.
Bên cạnh đó, giá HRC duy trì ổn định nhờ sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh mẽ. Thị phần HRC nội địa đã cải thiện lên mức 65% từ khoảng 40% khi các doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh thị phần từ thép xuất khẩu. Theo chia sẻ của Hòa Phát, nhu cầu tiêu thụ đã cao hơn sản xuất và doanh nghiệp hiện tại đã tiêu thụ hàng tồn kho từ quý trước.
MBS Research đánh giá, nhu cầu tiêu thụ tốt tiếp tục trở thành động lực cho giá thép nội địa trong nửa sau năm 2025 dù giá thép Trung Quốc chưa có tín hiệu phục hồi. Đồng thời, đơn vị này cũng cho rằng, giá thép nội địa có thể tăng kể từ quý III/2025 nhờ nhu cầu tiêu thụ tích cực và áp lực từ thép Trung Quốc hạ nhiệt do nước này cắt giảm sản lượng.
Trong quý II/2025, giá nguyên liệu than và quặng tiếp tục giảm lần lượt 4% và 3% so với cùng kỳ do nguồn cung dư thừa tại Úc và Brazil trong bối cảnh Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất. Do đó các doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát dự kiến sẽ được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu hạ nhiệt và giá bán ổn định.

Tương tự, GTJASVN Research cũng đánh giá, thép xuất khẩu gặp khó do vấn đề thuế quan, tuy nhiên được hỗ trợ nhờ thị trường nội địa phục hồi và các biện pháp phòng vệ với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Xuất hiện tình trạng hết tồn kho cục bộ trong giai đoạn đầu tư công đẩy mạnh.
Theo GTJASVN Research, vào ngày 30/5/2025, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố sẽ áp dụng mức thuế 50% với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, quyết định có hiệu lực từ ngày 4/6/2025. Trước đó, phía Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ ngày 12/3/2025.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ ngành công nghiệp ô-tô của Mỹ. Canada đã lập tức đáp trả bằng các biện pháp trả đũa, trong khi Liên minh châu Âu cũng công bố các biện pháp thuế đối ứng nhưng sau đó đã rút lại.
Các biện pháp chống bán phá giá các sản phẩm thép hỗ trợ cho các doanh nghiệp thép trong nước, nhưng gây áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép do chi phí nguyên liệu tăng.
“Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá các sản phẩm tôn mạ nhập cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước gia tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu, qua đó nâng cao sức cạnh tranh trong ngành tôn mạ”, GTJASVN Research nhận định.
– Diễn đàn Doanh nghiệp