Nhóm ngành nào triển vọng trên TTCK năm 2024?

Năm 2024, các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đặt kế hoạch, giúp mức tăng trưởng có thể đạt từ hai con số, trong đó, nhiều nhóm ngành triển vọng tốt sẽ tác động tích cực đến diễn biến thị trường.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chứng kiến những điểm sáng hứa hẹn trong bối cảnh kỳ vọng vào giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu. Theo các chuyên gia, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất và thậm chí có thể giảm lãi suất trong tương lai gần, tuy nhiên, quyết định này còn tùy thuộc vào quá trình kiểm soát lạm phát.

Nhóm ngành nào triển vọng trên TTCK năm 2024?

Uớc tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước

Mặt khác, tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến Việt Nam. Dù nền kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng đáng kể so với phần còn lại của thế giới.

Năm 2024 được dự báo là một năm khởi sắc hơn khi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và châu Âu dần hồi phục, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam và đặc biệt là TTCK. Trong năm nay, về các nhóm ngành triển vọng, chúng tôi có đánh giá như sau:

Thứ nhất, với nhóm ngân hàng, tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng tốc trong quý 4/2023 nhờ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng ở nhóm các ngân hàng VCB, BID, CTG và các ngân hàng có room tín dụng dồi dào như MBB, HDB, ACB.

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng đạt 14%, được thúc đẩy bởi nhu cầu tín dụng tăng khi sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Tuy nhiên, tín dụng BĐS vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành nhờ thị trường BĐS thứ cấp có giao dịch sôi động trở lại và nhu cầu tín dụng của các chủ đầu tư tiếp tục tăng mạnh.

Lãi suất huy động kỳ vọng tạo đáy trong năm 2024 và có thể tăng trở lại về cuối năm khi tình trạng dự thừa thanh khoản trong hệ thống thu hẹp. Lãi suất cho vay kỳ vọng tiếp tục giảm trong nửa đầu năm và ổn định trong cả năm. Biên lãi thuần (NIM) sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng xuất phát từ cơ cấu cho vay. NIM của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro cao sẽ tiếp tục chịu áp lực như TCB, VPB, HDB; trong khi NIM của các ngân hàng có cơ cấu cho vay an toàn hơn sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ như VCB, MBB, BID.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, rủi ro với nhóm ngành này là kinh tế hồi phục không như kỳ vọng và chính sách tiền tệ đảo chiều.

Thứ hai, nhóm môi giới chứng khoán có nhiều chất xúc tác cho thanh khoản TTCK. Triển vọng năm 2024, các CTCK vẫn sẽ duy trì được tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ những yếu tố gồm: Một là TTCK tiếp tục là kênh đầu tư thu hút dòng tiền nhờ các kênh đầu tư khác (tiền gửi, BĐS, trái phiếu, vàng) có lợi suất kém hấp dẫn hơn, hoặc tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn. Hai là, nhu cầu margin tăng do lãi suất hấp dẫn, chúng tôi ước tính lãi vay margin có thể tiếp tục giảm 50 – 100 điểm trong đầu năm 2024 trước khi tăng trở lại vào cuối năm. Ba là, giá trị giao dịch tăng giúp cải thiện nguồn thu từ hoạt động môi giới. Bốn là, nguồn thu từ dịch vụ môi giới gia tăng nhờ các thương vụ môi giới được khởi động trở lại, sau khi bị ngưng trệ trong năm 2022 – 2023. Năm là, hệ thống KRX đi vào vận hành trong năm này và triển vọng nâng hạng thị trường là những chất xúc tác mạnh.

Đặc biệt, thị trường đều kỳ vọng FTSE Russel sẽ đưa Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi cấp 2 (secondary EMs) trong tháng 9/2024 và chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2025. Hiện tại, TTCK Việt Nam đã đạt được 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE Russel trong đó, chướng ngại quan trọng nhất là áp dụng pre-funding.

Giải pháp cho câu chuyện này là cho phép các CTCK cung cấp pre-funding cho các nhà đầu tư nước ngoài (ngắn hạn); Thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ tập trung – CCP (dài hạn).

Chúng tôi đánh giá cao các cổ phiếu có nguồn vốn mạnh và thị phần nhà đầu tư nước ngoài cao như SSI, VCI, HCM. Tuy nhiên, rủi ro là hệ thống KRX chưa thể vận hành trong năm 2024 và chưa có khung pháp lý để triển khai pre-funding.

Thứ ba, là nhóm Bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN). Nguyên nhân thúc đẩy nhóm ngành này đến từ việc các tập đoàn lớn thực thiện chiến lược “Trung Quốc + 1” để giảm sự phụ thuộc vào “Công xưởng của thế giới”. Đồng thời, Chính phủ tận dụng cơ hội khi các tập đoàn muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thu hút các FDI chất lượng cao và Việt Nam đã liên tục ký kết một loạt các FTA và nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng được nâng cấp mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

Nhóm ngành nào triển vọng trên TTCK năm 2024?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chứng kiến những điểm sáng hứa hẹn trong bối cảnh kỳ vọng vào giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu

Chúng tôi cho rằng, thu hút và giải ngân FDI sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong năm 2024 nhờ nhiều lợi thế tiếp nối. Mức tăng trưởng giá cho thuê sẽ chậm lại trong năm 2024 do mức nền cao của năm 2023. Các cổ phiếu triển vọng bao gồm IDC, NTC sẽ có mức tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2024 nhờ lượng mở bán trước đáng kể trong năm 2023. Trong khi đó, KBC sẽ khó đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2024 do mức nền cao của năm 2023.

Rủi ro với nhóm này là Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024, có thể ảnh hưởng tới VGC, IDC và KBC do có các khách hàng thuê là các doanh nghiệp FDI lớn. Ngoài ra, còn có rủi ro thiếu điện tại miền Bắc trong mùa khô 2024 khi hiện tượng El Nino có thể cực đoan hơn năm trước. Đồng thời, tình hình tài chính của EVN khó cải thiện trong ngắn hạn và ảnh hưởng tới việc thanh toán cho các công ty phát điện.

Thứ, nhóm bất động sản dân cư. Chúng tôi kỳ vọng thị trường BĐS dân cư sẽ ấm lên trong năm 2024 nhờ lãi suất cho vay mua nhà kỳ vọng sẽ duy trì ở mức hợp lý trong năm 2023 (dưới 11%). Hiện tại, lãi suất cho vay mua nhà tại các NHTMCP Nhà nước đã về dưới mức 11% và lãi suất cho vay mua nhà tại các NHTMCP tư nhân có thể sẽ giảm về dưới mức 11% hoặc tiệm cận mức này tùy vào điều kiện cân đối của mỗi ngân hàng trong thời gian tới. Cùng với đó, niềm tin tiêu dùng tăng lên nhờ kinh tế phục hồi.

Như vậy, lợi nhuận toàn ngành sẽ cải thiện trong năm 2024 khi nhu cầu cải thiện, lãi suất giảm nhiệt giúp hỗ trợ chi phí tài chính, quá trình bàn giao sản phẩm được thúc đẩy bởi tăng tốc hoàn thiện pháp lý và các nút thắt của thị trường kỳ vọng được tháo gỡ sẽ thúc đẩy quá trình triển khai dự án BĐS, cũng như lành mạnh hóa thị trường trong giai đoạn tới.

Mặc dù vậy, cung – cầu trên thị trường BĐS có thể sẽ tiếp tục mất cân đối trong năm 2024. Thị trường tiếp tục đối mặt với việc thiếu hụt sản phẩm trung cấp, vừa túi tiền trong khi dư thừa các sản phẩm thuộc phân khúc cao hơn. Nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể trở nên dồi dào trong 2 – 3 năm tới; thiếu hụt quỹ đất và chi phí tài chính cao.

Chúng tôi cho rằng thị trường BĐS năm 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023 nhưng chúng tôi vẫn có quan điểm khá thận trọng đối với nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư trong năm nay.  Một số cổ phiếu được đánh giá triển vọng trong nhóm ngành này là KDH và TCH.

Thứ năm, nhóm dịch vụ dầu khí.  Hiện nay, cung – cầu dầu đã đảo thành thặng dư 1,27 triệu thùng tính đến 12/2023, giảm so với mức thặng dư 1,7 triệu thùng hồi tháng 10/2023. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng giá dầu nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới do đang thặng dư cung. Tuy nhiên, khả năng giảm mạnh cũng không lớn do mức độ dư cung là không nhiều.

Tồn kho dầu ở cả khối OECD và Mỹ đều được dự báo đi ngang đến nửa đầu 2024 nhưng có thể giảm trong nửa cuối 2024. Do đó, nhiều khả năng giá dầu sẽ đi ngang trong nửa đầu 2024 ở mức cao hiện tại và có khả năng tăng giá trong nửa cuối năm. Dự báo giá dầu trung bình năm 2024 của các tổ chức lớn là xấp xỉ 83USD/thùng.

Năm 2024, chúng tôi nghiêng về kịch bản giá dầu có thể sẽ ở vùng mức giá cao như hiện tại. Tại Việt Nam, đại dự án Lô B đang bị vướng mắc về giá trong việc mua bán khí từ Lô B và mua bán điện của EVN. Mặc dù vậy, dự án vẫn đang có các tiến triển tích cực và nhiều thuận lợi để có thể giải quyết các vướng mắc và được phê duyệt FID trong nửa đầu năm.

Đặc biệt, Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2023 tạo khung pháp lý rõ ràng hơn giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí: Lô B Ô Môn, Sư tử trắng giai đoạn 2B (tiếp nối gia đoạn 2A hết hạn vào năm 2025). Trong nhóm ngành này, các cổ phiếu tiêu biểu hưởng lợi có thể kể đến như PVS, PVD, PVB.

Thứ sáu, là ngành thép, phục hồi nhờ vào lĩnh vực BĐS kỳ vọng sẽ khả quan hơn. Ngoài ra, giá thép trong nước cũng phục hồi theo giá thép Trung Quốc. Tương tự thị trường Trung Quốc, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ sẽ góp phần vào nhu cầu thép, bù lại cho phần thiếu hụt từ ngành BĐS nhà ở.

Thực tế, việc dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ cũng là động lực tăng trưởng cho nhu cầu thép tại các KCN. Chúng tôi cho rằng, xuất khẩu thép sẽ là điểm sáng trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,84 tỷ tấn với nhu cầu tăng ở các thị trường chính là EU (tăng 5,8%), Ấn Độ (tăng 7,7%) và khu vực ASEAN (tăng 5,2%). Các công ty thép, tôn mạ cũng đang tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Mặc dù giá cổ phiếu đã tăng trong năm 2023, định giá P/B hiện tại của cổ phiếu ngành thép vẫn ở mức 1,4 lần, không quá cao so với giai đoạn Covid-19 và thấp hơn phần lớn thời gian trong 10 năm qua. Các cổ phiếu tiêu biểu hưởng lợi trong nhóm ngành này là HPG, HSG, NKG.

Có thể nói, trong năm 2024, các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đặt kế hoạch, con số tăng trưởng có thể là hai con số vì mức nền của năm 2023 khá thấp. Điều này sẽ tác động tích cực đến diễn biến của thị trường. Khi tăng trưởng của các doanh nghiệp khả quan hơn sẽ giúp định giá, mức lợi suất của TTCK hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button