Nhiều giải pháp chống in lậu
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết để đảm bảo công tác phòng, chống in lậu, mỗi doanh nghiệp phải luôn có ý thức và thực hiện quyết liệt vấn đề này.
Ngày 22/3, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết – Tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu năm 2022.
Bên cạnh việc nhìn lại vấn đề còn tồn đọng, nhiều đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp cũng đưa ra phương án mới, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống in lậu.
In lậu vẫn còn phổ biến
Theo báo cáo tổng kết năm 2021, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, phát hành, photocopy và ban hành 32 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 800 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm.
Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình, Ninh Bình và Vĩnh Long.
Vụ gần 4 triệu sách giáo dục in lậu bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bắt giữ được ghi nhận là lớn nhất từ trước tới nay.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết hiện nay, thị trường có nhiều xuất bản phẩm giáo dục giả rất giống sản phẩm thật nên khó phát hiện.
Việc đăng tải bài giảng, nội dung lên Internet hỗ trợ học sinh trong quá trình học online cũng bị một số đối tượng xấu lợi dụng để làm giả xuất bản phẩm giáo dục.
“Các xuất bản phẩm giáo dục giả ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh. Bên cạnh việc nội dung sách không đảm bảo, bản quyền sở hữu, công sức của thầy, cô biên soạn, đơn vị sản xuất… cùng nhiều bên liên quan bị ảnh hưởng nặng nề”, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, năm 2021, công tác phòng, chống in lậu đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng in lậu vẫn còn rất phổ biến, thậm chí xảy ra ngay trong cả doanh nghiệp, cơ sở in.
Việc in lậu hiện tập trung ở các loại sách giáo dục (sách giáo khoa, tham khảo…) hoặc sách bán chạy, những phân khúc mà thị trường có nhu cầu lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng, mà cơ sở in, đơn vị xuất bản cũng bị tác động nặng nề.
Giải pháp chống in lậu
Đến nay, các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp chống in lậu. Tem chống giả, QR code… được áp dụng cho nhiều loại sách và các phân khúc khác nhau.
TS Nguyễn Quang Hưng, giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho hay có nhiều cách giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả. Một số đơn vị dùng QR code cũng là biện pháp ưu việt.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng thông tin để hạn chế tình trạng xuất bản phẩm tràn lan, đơn vị này sử dụng nhiều loại tem chống giả cho sản phẩm của mình.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, các ban ngành phải tập trung hơn về quy định, đảm bảo chính sách rõ ràng, bám sát điều kiện thực hiện của cơ sở, doanh nghiệp in.
Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra điều luật liên quan in lậu. Không chỉ riêng luật về bản quyền mà nhiều vấn đề khác cũng cần được xem xét, bổ sung.
Tiếp đó, tuyên truyền về phòng, chống in lậu cho người tiêu dùng phải được chú ý. Việc phân biệt đâu là sản phẩm thật giả, cách xác định xuất bản phẩm giả, tem chống giả cần phải được phổ biến để chính người tiêu dùng có ý thức và lựa chọn đúng khi mua sản phẩm.
Nguồn: Zingnews.vn