Nhiều doanh nghiệp thận trọng “hạ” chỉ tiêu tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 có thể khả thi, nhưng để đạt được cũng không dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp thận trọng

Nhiều doanh nghiệp thận trọng hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng 3%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,6 – 8,3%; dịch vụ tăng 6,5 – 7,0%.

“Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái. Mục tiêu 6,5% khả thi nhưng để đạt được cũng không dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn”, TS. Nguyễn Bích Lâm bày tỏ.

Đánh giá về vấn đề lạm phát, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, năm 2022 chúng ta kiểm soát được lạm phát ở mức 3,15% là do chính sách điều tiết của Chính phủ liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược; 3 – 4 năm nay không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng chưa tăng.

Tuy nhiên, áp lực sẽ tăng cao khi thời gian tới bởi “không kiềm giữ mãi”. Chưa kể, giá xăng dầu dự báo tăng khoảng 20% khi Trung Quốc mở cửa và lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023. “Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5% sẽ rất khó khăn”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.

Trước dự báo khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng thận trọng hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023. Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần DVC Hà Nội chuyên sản xuất thảm, chiếu chia sẻ công ty sẽ phải “hạ mục tiêu”.

Theo ông Quân, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang rất khó khăn. Hầu như chưa thể phục hồi lại so với thời điểm trước dịch, bởi sức mua yếu, trong khi dòng vốn mỏng. Do đó, nhiều doanh nghiệp chọn giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp thận trọng

Doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đặt mục tiêu doanh thu đi ngang, kéo giảm lợi nhuận. Ảnh minh hoạ: Vũ Khuê

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng khẳng định, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là dòng vốn. Một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đặt mục tiêu doanh thu đi ngang, kéo giảm lợi nhuận.

“Khác xa với mức tăng trưởng 2 con số nhiều năm, mục tiêu doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2023 là 19.550 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng, bằng 85,8% so với 2022”, Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cho biết, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10/2022 đến nay. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Tương tự, các doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp cũng giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay. Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng. Doanh thu tăng 8,9% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 38%…

Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, sức mua trên thị trường thấp và những diễn biến bất thường có thể xảy ra là nguyên nhân họ thận trọng trong các mục tiêu kinh doanh.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button