Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 14/12, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT-DL) tổ chức Hội nghị – hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá” nhằm tổng kết 65 năm sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Hội nghị – hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá” được tổ chức chiều 14/12/2024 tại Hoàng thành Thăng Long

Phát biểu khai mạc hội nghị – hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, bảo tồn di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động văn hóa khác biệt so với các lĩnh vực khác đã được hình thành và phát triển trước đó. Di sản văn hóa là sản phẩm và chứng nhân lịch sử, với giá trị trước tiên là một nguồn sử liệu đích thực và chính xác hơn những gì được ghi chép trên giấy hay tạc trên bia đá. Giá trị lịch sử hàm chứa ở các di vật, cổ vật, ở những kiến tạo xây dựng… Bên cạnh di sản văn hóa vật chất, còn hiện hữu một di sản thứ hai của dân tộc, mà mọi thời đại đều sở hữu, đó là di sản văn hóa tinh thần, cũng cần được bảo lưu và trao truyền.

“Do vậy, làm công tác bảo tồn di sản văn hóa không thể không đòi hỏi kiến thức đa ngành và liên ngành. Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử bảo tồn và phục hồi di tích trên thế giới có sự tham gia của các nhà khảo cổ học, sử học, triết học cùng với các kiến trúc sư, kỹ sư và họa sỹ… Cần thấu hiểu di sản, nỗ lực ứng xử với chúng trên nền tảng tiếp cận văn hóa” – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024 này – năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành tập trung tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa – nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.

Tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương. Chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

Phải tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tham gia hiệu quả, với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, giúp quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Với sự tập trung trí tuệ, lòng yêu nghề, sức mạnh của khối đoàn kết toàn ngành di sản văn hóa và những điều kiện thuận lợi của đất nước, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới: Gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ.

Văn Linh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button