Người lao động trong kỷ nguyên AI

Người lao động phải “đối đầu” hay “hợp tác” với trí tuệ nhân tạo (AI)? Đang phân luồng thành hai trào lưu khác nhau.

Karl Marx khi nghiên cứu về quy luật vận động và phát triển của lịch sử ngoài người, ông đã dựa vào mối quan hệ biện chứng giữa “lực lượng sản xuất” và “quan hệ sản xuất”. Trong đó, hai yếu tố “người lao động” và “tư liệu sản xuất” là hai động lực chính.

Người lao động trong kỷ nguyên AI

Mâu thuẫn của chính mình

Ngay từ cuối thế kỷ 19, Marx đã đưa ra tiên đoán để đời: “khoa học công nghệ sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Ông viết trong “Bộ Tư bản”: “theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí mà chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và tiến bộ kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy trong sản xuất”.

Rõ ràng, giờ đây khoa học, công nghệ, kỹ thuật đã trở thành nền móng, tiền đề, động lực của mọi tiến trình phát triển. Thậm chí từ thập niêm 60 của thế kỷ trước các nhà kinh tế Fritz Machlup và Peter Drucker đã nêu ra khái niệm “kinh tế tri thức”. Trong những năm qua kinh tế tri thức được chọn làm chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển. Hiểu ngắn gọn là sự kết hợp giữa “kinh tế” và tri thức” biểu hiện bằng khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể coi là bước “đột phá của đột phá”, ứng dụng của AI đã trở thành “tư liệu sản xuất” hàng đầu khiến các quốc gia, doanh nghiệp không ngừng chạy đua phát triển.

Nghiên cứu của hãng máy tính IBM cho rằng, 70% các ứng dụng sẽ được xây dựng với AI làm nền tảng vào năm 2030. 3/4 số giám đốc điều hành (CEO) tin rằng lợi thế cạnh tranh sắp tới phụ thuộc vào ai sở hữu công nghệ AI tạo sinh tiên tiến nhất.

Từ Google, Amazon, Adobe, Intel, Zoom… đến những doanh nghiệp ít được biết đến, như nền tảng xã hội Discord, Unity Software, Duolingo,… đổ hàng chục tỷ USD phát triển AI đồng thời sa thải người lao động đang là nỗi lo lớn tại thung lủng Silicon. Ngày càng có nhiều hãng công nghệ nêu AI là lý do để cắt giảm lao động vật lý.

Trong một ghi chú tháng 3/2023, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian trên khắp thế giới có thể bị mất hoặc giảm đi do sự gia tăng của công nghệ AI và giới “cổ cồn trắng” dường như có nguy cơ cao nhất. Chính con người đã vui sướng tột độ khi tạo ra AI nhưng cũng không ai khác – chính con người là “nạn nhân” bị đe dọa bởi AI!

Người lao động trong kỷ nguyên AI
Những ứng dụng AI phổ biến trong doanh nghiệp.

AI có đáng sợ?

Một số quan điểm trên thế giới nhìn nhận AI như những “âm binh” do gã “thầy pháp” triệu hồi lên. Nhưng phần lớn đều nhìn AI dưới lăng kính tích cực – đến sau cùng “thuật toán” và “dữ liệu” sẽ giải phóng triệt để người lao động khỏi trói buộc về thời gian, thể chất, tinh thần. Người lao động có cơ hội gác lại nỗi lo làm sao để sản xuất ra nhiều của cải vật chất, tạo ra năng suất lao động cao nhất; thay vào đó tập trung trí tuệ giải quyết những bài toán mang tính toàn cầu hóc búa như biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, bệnh tật, và các mối nguy phi truyền thống.

Ước tính 43% nhiệm vụ công việc sẽ được tự động hóa vào năm 2027 và người lao động sẽ có nhiều thời gian hơn để học tập, phát triển và làm công việc quan trọng nhất đối với họ.

Jim Cramer, chuyên gia công nghệ của CNBC đã lấy mình ra làm ví dụ, anh ấy là người đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi cuối khóa tại Đại học Havard, nhưng Bard – một ứng dụng AI của Google đã đánh bại anh ấy, với Jim đây là điều đáng mừng hơn đáng lo.Khi chuyển đổi số và số hóa đến tầm cao, mỗi doanh nghiệp sẽ có trong tay công cụ hữu hiệu để khai phá năng lực của người lao động. Điều này có thể giải phóng tiềm năng bằng cách kết nối nhân viên với những cơ hội mới phù hợp với thế mạnh cá nhân và nhu cầu của doanh nghiệp.

Hạn chế lớn nhất của giáo dục hiện nay là không thể nào đem lại cho con người nền tảng quân bình về khả năng tiếp cận tri thức, nâng cao tay nghề. Nói cụ thể, không có phương pháp nào là phù hợp với tất cả.

Đây là lúc AI “ra tay” khắc phục hạn chế này thông qua cơ sở dữ liệu của từng cá nhân, nhóm đối tượng đề xuất phương án chính xác. Song, thế giới phải đối diện với nan đề mới, chưa có tiền lệ, đó là “đạo đức AI”, khi chúng ta đòi hỏi máy móc có “ý thức” khó hơn nhiều so với việc bắt buộc con người tuân thủ quy định. Các nhà lập pháp cho rằng, năm 2024 sẽ trở thành một năm bản lề đối với quy định về AI.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button