Nghệ An: Tái diễn đình công tại Công ty TNHH Viet Glory
Cho rằng lương cơ bản thấp, chế độ phúc lợi, phụ cấp không đầy đủ, mức khoán sản phẩm chưa hợp lý… hàng nghìn công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Viet Glory đã đồng loạt đình công đòi quyền lợi.
Được biết, Công ty TNHH Viet Glory có địa chỉ tại xóm 8, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày da xuất khẩu. Công ty có công suất dự kiến 25 triệu sản phẩm/năm với 100% vốn nước ngoài. Đáng nói, câu chuyện đình công không phải là lần đầu tiên công ty này mà vướng phải. Trước đó, vào các năm 2021 và 2022, Công ty TNHH Viet Glory cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Doanh nghiệp FDI liên tục gặp vướng…
Một vụ việc lùm xùm, gây xôn xao dư luận trong 2 ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đó là hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã tự ý ngừng làm việc, đồng loạt ra về nhằm đòi quyền lợi.
Theo thông tin PV nhận được, vào sáng ngày 2/10, vẫn như thường lệ, hàng nghìn công nhân này vẫn đi làm việc bình thường. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, sau khi ăn xong thì hầu hết công nhân không nghỉ ngơi như bình thường mà xuống tập trung tại nhà xe rồi đồng loạt ra về thay vì quay lại nhà xưởng làm việc.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân các công nhân trên không vào làm việc như thông lệ là vì 2 lý do chính: Muốn được tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm.
Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chiều ngày 2/10, các ban, ngành của huyện Diễn Châu và Phòng Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã có mặt tại Công ty TNHH Viet Glory để nắm bắt hình hình và tìm hướng giải quyết. Qua nắm bắt, đại diện công nhân đã đề xuất 8 kiến nghị lên lãnh đạo công ty để yêu cầu giải quyết thoả đáng, khắc phục sớm các tồn tại lâu nay chưa được thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Cuối ngày 2/10, lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory đã có văn bản hồi âm, phúc đáp những kiến nghị của công nhân. Theo đó, đối với yêu cầu tăng lương cơ bản, theo quy định, mức lương tối thiểu vùng III Diễn Châu là 3.640.000 đồng, mức lương cơ bản hiện tại của công ty là 4.130.000 đồng, cao hơn so với mức lương cơ bản vùng, phù hợp với quy định. Do vậy, dựa vào tình hình thực tế, phía công ty sẽ không thể điều chỉnh tăng lương và mong công nhân thông cảm, chia sẻ.
Công ty sẽ điều chỉnh thái độ làm việc của tất cả cán bộ nước ngoài và người Việt, nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của công ty. Thời gian tới công ty sẽ tăng cường đào tạo cán bộ. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận kỹ thuật kiểm tra lại thiết bị máy chấm công, nếu có vấn đề sẽ khắc phục ngay; nếu công nhân không chấm được thì phải thông báo ngay cho phòng nhân sự.
Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng cam kết sẽ điều chỉnh thời gian họp cho phù hợp tình hình sản xuất, nếu có lịch họp ngoài giờ sẽ tính tăng ca theo quy định. Mặc khác, đối với trường hợp mang thai tháng thứ 7 trở lên thì sẽ được về sớm 1 giờ so với quy định.
Ngoài ra, nhằm động viên tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đồng thời tăng thu nhập đảm bảo đời sống người lao động, ngày 1/10, công ty quyết định tăng thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà máy.
Đây không phải làm lần đầu tiên hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH Viet Glory đồng loạt đình công mà trước đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào các năm 2021 và 2022, sự việc như vậy đã xảy ra. Theo đó, ở đợt đình công sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, hơn 5.000 công nhân của công ty này cũng tổ chức đình công kiến nghị 11 nội dung cũng liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp…
Riêng đối với các chế độ như thưởng tháng 13, tăng số lượng công nhân hưởng độc hại nặng nhọc, tăng mức phụ cấp độc hại nặng nhọc… đại diện Viet Glory trả lời sẽ điều chỉnh phù hợp với chính sách phúc lợi của công ty và theo quy định pháp luật.
Qua nắm thông tin được biết, đến sáng 3/10, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH vẫn chưa vào nhà xưởng làm việc. Họ tập trung trước cổng công ty vì cho rằng các trả lời của công ty chưa thỏa đáng.
Không để kéo dài dẫn đến đình công
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, từ tháng 9/2021 – 9/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ đình công của công nhân với quy mô từ 200 – 5.000 công nhân tham gia tại các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành và TP Vinh. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ đình công nào.
Sự việc hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu đình công nhằm đòi hỏi quyền lợi lại một lần nữa dấy lên thực trạng đáng báo động; đòi hỏi cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần phải tập trung thực hiện có hiệu quả việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tăng cường nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, không để kéo dài dẫn đến đình công.
Được biết, chỉ mới cách đây hơn 20 ngày, ngày 12/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 672/KH-UBND về “Thực hiện Đề án số 26-ĐA/TU ngày 03/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng ngừa và giải quyết đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, tính đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu là nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ nhằm phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, không để kéo dài dẫn đến đình công; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác phòng ngừa và giải quyết tốt các cuộc đình công trên địa bàn tỉnh (nếu có).
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế thực trạng trên, đó là yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương liên quan tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động và quan hệ lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả, kịp thời cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động, công trình phúc lợi xã hội nhằm phục vụ đời sống ổn định, lâu dài cho công nhân lao động tại các địa phương có đông công nhân lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Mặc khác, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người lao động các quy định của pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao tay nghề và hiểu biết pháp luật về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; sự quản lý điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; tuân thủ quy trình thủ tục tổ chức đình công theo quy định của pháp luật…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn