Ngành Y tế và “trạng thái bình thường mới”
(DIENDANDOANHNGHIEP.VN) – Việc kiểm soát COVID-19 cần sự hợp tác, chứ không phải cạnh tranh, giữa y tế công lập và y tế tư nhân.
Con người là chủ thể của xã hội, có thể đưa ra những quyết định thay đổi về mặt hình thái kinh tế. Chính vì điều này mà chúng ta có thể nhận thấy được rằng việc đảm bảo cho con người có sức khỏe tốt sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. Hơn thế nữa, khi người lao động khoẻ mạnh, yên tâm trong công tác, yên tâm phát triển kinh tế, chúng ta cũng bớt đi những kinh phí không cần thiết cho những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe.
Còn nhớ, hồi đầu năm 2020, cơn bão COVID-19 tràn đến đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế Mỹ, vốn phân tán và hoạt động theo cơ chế thị trường. Chi phí đắt đỏ khiến nhiều người dân không thể đi xét nghiệm và điều trị, điều này được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh tại Mỹ.
Để khắc phục hệ quả do tình trạng bất bình đẳng xã hội và bất cập của hệ thống y tế, cuối tháng 3/2020, chính phủ Mỹ thông qua gói hỗ trợ 100 tỷ USD để giúp các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế cộng đồng nâng cao năng lực khám và điều trị, còn người dân được khuyến khích đi xét nghiệm. Mọi bệnh nhân COVID-19 đều được đối xử như nhau, và hưởng lợi nhiều nhất chính là những bệnh nhân nghèo, thậm chí không có bảo hiểm y tế.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta, chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước là bảo vệ sức khỏe toàn dân trước đại dịch. Vì đại dịch COVID-19 là vấn đề sức khỏe mang tính tập thể. Nếu nhiễm bệnh mà không được điều trị kịp thời, cá nhân có thể trở thành nguồn phát tán dịch bệnh, đe dọa sự an toàn sức khỏe của cả cộng đồng.
Và chủ trương đó được thể hiện qua nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, quyết định 219/QĐ-BYT và quyết định 447/QĐ-TTg 2020. Theo đó, bệnh viêm đường hô hấp cấp (hay còn gọi là bệnh COVID-19) được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A…v..v..
Mới đây, trong buổi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 24/10 để cho ý kiến về dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chương trình phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021- 2025.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chương trình cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số vấn đề, như nâng cao năng lực y tế để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đặc biệt quan tâm y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine và các biện pháp điều trị; nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch…
Như vậy, một lần nữa ngành y tế lại được nhắc đến với vai trò tiên phong trong công cuộc phòng chống dịch COVID -19, nhất là khi đất nước chuyển sang “trạng thái bình thường mới”. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao khả năng thích ứng của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
Cho đến nay, chúng ta có thể thấy Việt Nam có cách chống dịch khác cơ bản với tất cả các nước khác. Qua bốn đợt dịch, chúng ta có thể thấy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị không còn là một “khái niệm trừu tượng”, mà là một “hiện tượng thực tế”.
Chẳng hạn, khi chống dịch, khác với nước Mỹ, Việt Nam dựa vào hệ thống y tế công lập sẵn có để phòng chống đại dịch. Nhờ đó, chính quyền có thể chủ động, tiết kiệm chi phí, và bảo đảm bình đẳng xã hội trong một nỗ lực tập thể nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Điều này phát huy rất tốt tính hiệu quả và cho thấy rõ kết quả cụ thể chúng ta đã làm. Sự quan tâm của Đảng và Chính phủ tới sức khỏe của nhân dân đã tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân, từ đó họ thấy mình phải có trách nhiệm cùng đất nước tham gia chống dịch.
Tức là, với “trạng thái bình thường mới” thì phòng chống đại dịch là trách nhiệm chính trị của nhà nước, được cụ thể hóa thành pháp luật. Đòi hỏi mọi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và giai tầng xã hội, nhất là ngành y tế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Có thể nói, sự hi sinh của người thầy thuốc trong dịch bệnh COVID-19 là vô cùng lớn. Khi dịch bệnh chưa bị đẩy lùi, mối đe dọa sức khỏe cộng đồng còn hiển hiện thì lợi ích của mọi chủ thể còn bị đe dọa.
Nói cách khác, tình huống dịch bệnh nan giải hiện nay đòi hỏi sự đồng tâm, nhất trí của mọi chủ thể, bất kể khu vực công hay khu vực tư nhân; lợi ích của tập thể phải đặt lên trên lợi ích của cá nhân hay tổ chức.
Nếu vai trò dẫn dắt của ngành y tế thời điểm này bị phân bì, mổ xẻ thì quá trình thích ứng với cuộc sống bình thường mới cũng dễ bị “sự cố”.
Bài: THANH BÌNH – Ảnh: QUỐC TUẤN