Ngăn trục lợi quỹ bảo trì chung cư
Đã có những người coi việc vào ban quản trị là một nghề, và dùng chính sự tín nhiệm của cư dân để trục lợi từ quỹ bảo trì, quỹ phí dịch vụ.
Ngoài ra, cơ chế xử phạt các ban quản trị sai phạm là chưa đủ sức răn đe, nhiều ban quản trị vi phạm pháp luật nhưng rất ít khi bị xử lý về mặt hình sự hay khởi tố.
Nghị định 16, ban hành ngày 28/01/2022 có quy định rất rõ việc xử phạt ban quản trị lạm quyền, sai phạm. Thế nhưng, đa phần tại nhiều chung cư, các sai phạm của ban quản trị chỉ được biết đến khi người dân tố giác. Việc quản lý tại các chung cư không được các cơ quan chức năng quan tâm thấu đáo để kịp thời để ngăn chặn hành vi biển thủ quỹ bảo trì.
Thậm chí, khi người dân liên hệ với chính quyền địa phương về các sai phạm của ban quản trị, các cơ quan quản lý cũng coi đó là tranh chấp dân sự và trả về phường, đưa vụ việc về nội bộ chung cư để xử lý.
Do đó, để giải quyết tận gốc thực trạng ban quản trị sai phạm, tham ô, chiếm dụng, chi sai mục đích phí bảo trì, pháp luật cần nghiêm minh, xử lý mang tính răn đe hơn nữa đối với các sai phạm.
Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần vào cuộc, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm nóng sai phạm chung cư, ngăn chặn những hệ quả xấu, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, các “lỗ hổng” trong quản lý phí bảo trì cũng cần được giải quyết kịp thời. Đơn cử như việc quy định tất cả số tiền quỹ bảo trì đều phải được thực hiện bằng giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng, phải báo cáo, giải trình chi tiết mọi chi tiêu, sử dụng quỹ bảo trì và có ý kiến đóng góp của cư dân.
Ngoài ra, pháp luật cần có quy định về việc một người dân chỉ được làm thành viên ban quản trị tại một dự án, trong một thời điểm nhất định, nhằm tránh những người coi đây là một nghề để trục lợi.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp