Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng

Lần bơm vốn thứ hai trong vòng ba năm qua đã tăng vốn điều lệ của Ngân hàng UOB Việt Nam lên thêm 60%, một lần nữa củng cố cam kết mạnh mẽ của UOB với thị trường Việt Nam.

Ngân hàng UOB Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 5 nghìn tỷ đồng lên 8 nghìn tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Việc tăng vốn điều lệ này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận theo Công văn số 9150/NHNN-TTGSNH ngày 28 tháng 11 năm 2023.

Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng

UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng

Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai trong vòng ba năm qua của Ngân hàng UOB Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng trong việc đầu tư cho sự tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Việc tăng vốn này cũng sẽ góp phần giúp Ngân hàng đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong 5 năm tới, với trọng tâm cụ thể là thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ bên cạnh các dịch vụ ngân hàng bán buôn.

Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại ASEAN. Quyết định tăng vốn là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng như niềm tin vào tiềm năng to lớn của đất nước. Với mức vốn tăng thêm này, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng. Điều này sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ và ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam”.

Năm 2023 đánh dấu 30 năm UOB hiện diện tại Việt Nam, Ngân hàng đã phát triển từ một văn phòng đại diện chỉ gồm 3 nhân viên trở thành một ngân hàng con 100% vốn sở hữu nước ngoài với hơn 1.300 nhân viên và 5 chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bất chấp những thách thức do đại dịch gây ra, Ngân hàng UOB Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, với tổng tài sản đạt mức tăng trưởng trên 30% trong 5 năm qua (2018-2022).

Vào tháng 3 năm nay, UOB đã hoàn tất việc mua lại mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam, từ đó tăng gấp đôi dư nợ cho vay và tiền gửi, tăng gấp ba cơ sở khách hàng bán lẻ của Ngân hàng. Thương vụ chiến lược này cũng giúp Ngân hàng cung cấp một bộ sản phẩm cho vay tín chấp toàn diện đến khách hàng, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay tín chấp cá nhân, bổ sung vào các khoản vay có bảo đảm hiện có như cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô.

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng UOB Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở mảng bán lẻ, mở rộng cơ sở khách hàng và gia tăng thị phần. Ngoài ra, việc tăng vốn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trong mảng bán buôn, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp xuyên suốt chuỗi cung ứng của họ để nắm bắt được các cơ hội kinh doanh cũng như thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của họ.

Kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào tháng 4 năm 2015, đơn vị Tư vấn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDIA) của UOB đã hỗ trợ hơn 290 công ty đầu tư vào Việt Nam, đóng góp một khoản đầu tư ước tính khoảng 6,3 tỷ đô la Singapore (tương đương 113.866 tỷ đồng) và tạo điều kiện để tạo ra khoảng 57.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam.

UOB cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng UOB Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn thương mại và đầu tư ngày càng tăng vào Việt Nam. Gần đây, UOB đã gia hạn MOU với Cục Đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam, thúc đẩy tạo việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, số hóa, tăng trưởng xanh, bền vững, năng lượng mới, chất bán dẫn và tài chính.

Đặc biệt, UOB hướng tới hỗ trợ các dự án xanh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế trong nước. Bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính xanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, UOB mong muốn góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button