Ngân hàng Nhà nước tăng tốc bơm tiền cận Tết
Chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, NHNN đã bơm hơn 7.800 tỷ đồng vào các ngân hàng thương mại thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cao gấp 7 lần số bơm ròng trong cả tuần trước.
Sau nhiều tuần không phát sinh giao dịch trên kênh thị trường mở (OMO), trong tuần trước (17-21/1), Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lại kênh này với việc bơm ròng 1.100 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại với giao dịch mua kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,5%/năm.
Theo đó, tổng lượng tín phiếu lưu hành thông qua kênh OMO đến cuối tuần trước là 1.100 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt
Trên thị trường ngân hàng, áp lực đối với thanh khoản hệ thống chưa lớn và việc thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ ở một số nhà băng. Điều này khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có biến động trái chiều tuần vừa qua.
Trong đó, kỳ hạn cho vay qua đêm giữa các nhà băng chủ yếu đi ngang, kết thúc tuần ở mức 1,12%/năm. Ngược lại, lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là kỳ hạn 2 tuần khi tăng tới 0,22 điểm %. Điều này phản ánh kỳ vọng diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2022.
Thực tế, trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này (24-25/1), lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm ngày 25/1 đã tăng lên mức 2,3%/năm, cao gấp đôi so với bình quân cuối tuần trước.
Tương tự, các kỳ hạn 1 tuần; 2 tuần và 1 tháng cũng ghi nhận mức tăng mạnh, đạt lần lượt 2,2%; 2,43% và 2,87%/năm.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, doanh số giao dịch giữa các nhà băng cũng tăng đáng kể từ đầu tuần với cả kỳ hạn qua đêm và các kỳ hạn dài.
Trong đó, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng phiên 25/1 ghi nhận ở mức 176.824 tỷ đồng, tăng 22% so với bình quân tuần trước và cao hơn 30% so với trước giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm.
Đáng chú ý, không chỉ ghi nhận tăng doanh số giao dịch ở kỳ hạn qua đêm với 147.702 tỷ đồng được thực hiện, các ngân hàng cũng tăng vay chéo nhau ở các kỳ hạn dài hơn với 25.011 tỷ kỳ hạn 2 tuần; 1.250 tỷ kỳ hạn 1 tháng và 2.277 tỷ kỳ hạn 3 tháng.
Việc doanh số cho vay tăng với cả kỳ hạn dài cho thấy nhiều ngân hàng đang gặp áp lực thanh khoản trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn cuối năm Âm lịch.
Cũng trong giai đoạn này, NHNN đang có xu hướng tăng tốc bơm tiền.
Tăng tốc bơm tiền
Sau khi bơm 1.100 tỷ đồng tuần trước, đến phiên đầu tuần này, cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục bơm ròng 2.937,43 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở. Đến phiên 25/1 bơm tiếp 970,45 tỷ và đến phiên 26/1, bơm thêm 3.914,97 tỷ đồng.
Tất cả khoản bơm ròng kể trên đều có kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Chỉ tính trong 3 phiên đầu tuần này, NHNN đã bơm ròng 7.822,85 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại để bổ sung thanh khoản.
Theo thống kê, trong khoảng một tuần làm việc cuối cùng trước đợt Tết Âm lịch 2021, NHNN đã bơm ròng hơn 50.700 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại. Như vậy, số tiền cơ quan quản lý tiền tệ bơm ròng từ tuần trước đến nay mới tương đương khoảng 15% quy mô năm trước.
Việc lãi suất cho vay liên ngân hàng đang tăng mạnh cho thấy thanh khoản các nhà băng đang căng thẳng, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục bơm mạnh tiền ra thị trường hỗ trợ trong những phiên cuối tuần này.
Ngoài dựa vào nguồn tiền từ NHNN bơm ra, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang chủ động tăng lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân dịp cuối năm. Trong khoảng 3 tháng gần nhất, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động cá nhân 3-4 lần, nhiều kỳ hạn huy động ghi nhận mức lãi suất tăng gần 1 điểm %.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research lý giải, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân do áp lực thanh khoản cao điểm cuối năm. Trong vòng 2 tháng qua, các nhà băng đã tăng 0,1-0,5 điểm % biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mại cũng đươc sử dụng để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ cư dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online hiện cao hơn 0,2-0,3 điểm % so với kênh truyền thống.
Các chuyên gia đánh giá đây chỉ là xu hướng mang tính mùa vụ và mặt bằng lãi suất huy động kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau đó. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022 với triển vọng tăng phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
SSI Research đưa ra kịch bản cơ sở với lãi suất huy động sẽ tăng 0,2-0,25 điểm % trong nửa cuối năm nay.
Nguồn: Zingnews.vn