Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm nhịp độ phát hành tín phiếu trong các phiên giao dịch gần đây, đồng thời bơm trả ra thị trường một lượng ròng theo tín phiếu đáo hạn.
Cụ thể, ở chiều bơm ròng ra thị trường, theo các lô tín phiếu 28 ngày đầu tiên NHNN phát hành đã bắt đầu đáo hạn, từ phiên 19/10, thì tổng quy mô lên tới gần 49.995 tỷ đồng. Như vậy, cơ quan quản lý đã và sẽ trả về hệ thống ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư hút ròng hiện vẫn trên 240.000 tỷ, là con số cao so với lịch sử.
Ở chiều hút tiền – phát hành mới, trong phiên giao dịch 24/10, NHNN chỉ phát hành 850 tỷ tín phiếu, giảm mạnh so với con số 20.000 tỷ đồng của 1 tuần trước đó. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp NHNN giảm lượng tín phiếu bán ra trên OMO. Kết quả đấu thầu, chỉ có 3/4 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng đạt 850 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu vẫn giữ ở mức 1,45% – cao nhất trong chu kỳ.
Đây là phiên có số lượng thành viên tham gia và lượng tín phiếu trúng thầu thấp nhất kể từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.
Thống kê chung trong tuần qua, NHNN tiếp tục hoạt động phát hành tín với tổng khối lượng phát hành là 55,9 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày, với phương thức đấu thầu là cạnh tranh lãi suất.
Khối lượng trúng thầu có xu hướng giảm trong tuần và ngược lại, lãi suất trúng thầu có xu hướng tăng và kết thúc tuần ở 1,45% (tăng 45 điểm cơ bản so với cuối tuần trước đó).
SSI Research cho rằng, khối lượng trúng thầu giảm trên kênh tín phiếu nghiêng nhiều về khả năng nhu cầu yếu dần từ các NHTM cho kỳ hạn 28 ngày nhằm chuẩn bị cho nguồn vốn vào cuối năm hơn là đến từ việc thanh khoản hệ thống căng thẳng khi tín dụng chưa có sự phục hồi.
Dù vậy, hiệu quả của việc hút thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống thông qua nhịp phát hành tín phiếu liên tục trên thị trường mở của nhà điều hành đang thấy rõ, khi kéo lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng lên 1,75%-2,0% so với mức gần 0% vài tháng trước.
Các chuyên gia Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định, với các diễn biến chung trên thị trường và đặc biệt qua tín hiệu giảm phát hành trên thị trường mở, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
“Động thái hút thanh khoản VND dư thừa trên hệ thống đang đi đúng hướng, kéo lãi suất liên ngân hàng lên, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, tăng tính hấp dẫn tiền VND và giảm đầu cơ USD. Chúng tôi cho rằng NHNN sẽ duy trì số dư hút ròng khoảng 200.000-250.000 tỷ đồng trong thời gian tới trước diễn biến đồng USD đang mạnh lên so với các đồng tiền khác”, chuyên gia MSVN nhận định.
Nguyên do của mục tiêu duy trì số dư hút ròng này, theo các chuyên gia, đến từ: Thứ nhất, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn (USD) khi rủi ro địa chính trị leo thang (Nga – Ukraine, Israel – Palestine);
Thứ hai, chênh lệch lãi suất giữa Fed và các ngân hàng TW khác neo cao khi thị trường việc làm Mỹ vẫn rất tốt và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đang bị đe dọa bởi đà tăng của giá dầu.
“NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục dùng các công cụ trên OMO để giảm bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống và có thể bán USD để can thiệp thị trường ngoại hối. Đây là các biện pháp kỹ thuật ngắn hạn để làm dịu áp lực tỷ giá đang tăng. Về dài hạn, chúng tôi duy trì quan điểm rằng NHNN sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, các chuyên gia MSVN khẳng định.
Trên thị trường, đã xuất hiện thông tin đồn đoán (rumor) về khả năng NHNN sẽ bán một khoảng 1 tỷ USD để hỗ trợ ổn định tỷ giá, giảm áp lực với nguồn cung. Song tin đồn vẫn chỉ là tin đồn.
Ông Huỳnh Hoàng Phương- chuyên gia của FIDT – dẫn ra các cơ sở về: Các cán cân thương mại và đầu tư năm nay tốt hơn năm ngoái nhiều so với bối cảnh của 2022, bên cạnh đó mặc dù cán cân tài chính (vay và gửi + FII) không hoàn toàn tích cực nhưng vẫn tốt hơn năm ngoái. Theo đó ông Phương đánh giá tình hình giữ ổn định tỷ giá “sẽ không căng” như quý 4/2022, tuy nhiên vẫn sẽ có bị ảnh hưởng.
“Nhà điều hành sẽ lựa chọn giữ tỷ giá và buộc phải hút thanh khoản hay sắp tới phải can thiệp bán USD hay để cho tỷ giá tăng, song nhìn chung chính sách tiền tệ sẽ không thắt chặt mà vẫn theo hướng nới lỏng để hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng”, ông Huỳnh Hoàng Phương nhận định.