Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu giá, góp ý Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, cần quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan…
Thống kê cho thấy, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, trong đó trên 90% là tài sản công, chủ yếu là quyền sử dụng đất. Như vậy, có khoảng 37.000 cuộc đấu giá mỗi năm, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng. Nếu các cuộc đấu giá thành công, người trúng đấu giá thực hiện theo cam kết thì nguồn lực mang lại cho ngân sách Nhà nước và xã hội là rất lớn.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hoạt động đấu giá vẫn còn đó không ít tồn tại, một số trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là công ty mẹ, công ty con, công ty cùng là thành viên của tập đoàn, các công ty có cổ phần chi phối, bố, mẹ, anh, chị, em, vợ, chồng cùng đăng ký tham gia mua một tài sản. Hay như việc hai người tham gia đấu giá cùng ủy quyền cho một người khác tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá ủy quyền cho người khác tham gia đấu giá mà người này cũng là người tham gia cuộc đấu giá đó.
Cùng với đó, người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản. Một số trường hợp có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá để trục lợi.
Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Hoặc người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn tồn tại…
Góp ý Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), không ít ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước, đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.
Nêu tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó… đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần có những cái giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản 2 ngày cần được tăng thêm ít nhất 3 ngày.
Góp ý về quy định liên quan đến đặt cọc, theo đại biểu Ấn, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của Dự thảo Luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.
Còn theo đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Luật Đấu giá tài sản hiện hành không quy định vấn đề xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh.
“Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp, họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn “vốn đen” chiếm dụng hay rửa tiền… dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài, bị khai thác sử dụng theo ý đồ doanh nghiệp hay thế lực khác”, đại biểu Trần Văn Khải cảnh báo.
Vì vậy, để ngăn chặn hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh – quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, “bỏ cọc”, “tạo mặt bằng giá ảo” để thao túng thị trường… đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” như dự thảo là cần thiết. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung điểm 2, điểm 3, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính tham gia đấu giá tài sản.