Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu

Xúng xính váy Mông từ những bước đi dịu dàng của những cô gái, sự tươi tắn trong họa tiết thêu, sự nền nã, dịu dàng của sắc chàm đen hiện hữu trên những trang phục thường ngày. Màu chàm thắm sắc, đặc trưng của đồng bào Mông. Nghề nhuộm chàm độc đáo đã lưu giữ, truyền lại qua từng thế hệ, để màu chàm thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc của đồng bào nơi đây. Thế giới ảnh, giới thiệu đến bạn đọc phóng sự ảnh nhuộm chàm của đồng bào người Mông huyện Tam đường Lai Châu.

Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu
Kiểm tra vải phơi khô sau công đoạn nhuộm
Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu
Nét đẹp về chàm được lưu truyền và là niềm tự hào của người dân

Ở bản này, các bà, các mẹ đều dạy cho con, cháu để nghề truyền thống không bị mai một. Nhất là, trang phục làm vải dệt từ cây lanh mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, phù hợp với công việc lao động của người dân nên từ bao đời, người dân trong bản vẫn ưa thích mặc trang phục truyền thống. Đôi bàn tay nhuộm chàm cho tấm vải chính là nét đẹp riêng vốn có của người phụ nữ trong gia đình.

Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu
Phương pháp làm vải truyền thống của đồng bào Mông

Ngày nay, công nghệ dệt đã thay đổi hiện đại theo hướng dệt công nghiệp máy móc, nhưng ở đây đồng bào Mông vẫn yêu thích phương pháp làm vải truyền thống vì nó gắn bó với đời sống và thói quen sinh hoạt, đặc biệt là các chất liệu đều từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Dân tộc Mông là một trong những dân tộc chiếm số đông ở Lai Châu (khoảng 23,51% dân số toàn tỉnh, trang phục của họ đa số vẫn được làm thủ công, từ dệt vải (từ cây bông, lanh) đến nhuộm chàm, thêu họa tiết và may thành trang phục.

Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu
Dạy cháu gái thêu hoa văn lên vải để may áo

Cây chàm sau khi cắt về sẽ được đem rửa sạch, ngâm trong nước từ 3 ngày đến 1 tuần, đến khi mục tạo thành 1 thứ nước sóng sánh màu xanh đen thì sẽ đạt yêu cầu làm màu nhuộm.

Để có được tấm vài có màu chàm đậm, không dễ bạc màu thì quá trình nhuộm sẽ phải diễn ra nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời, và đồng bào Mông thường nhuộm chàm vào những ngày nhiều nắng.

Nét Chàm trong sắc màu văn hóa Lai Châu

Sau khi lanh dệt thành tấm, rồi nhuộm đạt màu chàm, người phụ nữ Mông sẽ dùng kỹ thuật vô cùng độc đáo để tạo hoa văn, họa tiết cho vải đó là vẽ sáp ong. Sáp ong được đun trên bếp lửa cho nóng chảy, sau đó dùng bút vẽ có cán bằng gỗ, ngòi bằng đồng nhúng vào sáp nóng và vẽ lên vải. Các họa tiết kể về đời sống sinh hoạt, hình hoa lá, chim muông như một biểu tượng của sự đa dạng trong văn hóa của đồng bào Mông. Sau khi vẽ xong họa tiết, người phụ nữ Mông sẽ thêu chỉ màu lên các họa tiết để tạo ra một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, độc đáo.

Trong giai đoạn hiện nay Lai Châu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch độc đáo, bản người Mông cũng là một trải nghiệm khó quên với du khách với những nét đẹp và sáng tạo trong sinh hoạt thường ngày.

  Mộc Nhung

Bài Viết Liên Quan

Back to top button