Nên mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT
Trước những khó khăn từ bên ngoài và nội tại, để đẩy nhanh tiến độ phục hồi nền kinh tế, theo các chuyên gia, nên mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT…
Theo Nghị định số 44/2023, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023, tuy nhiên, do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, mới đây, Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% VAT thêm 6 tháng, tức tới giữa năm 2024.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, hầu hết các ý kiến đều đồng tình và cho rằng, trước những khó khăn từ bên ngoài và nội tại, việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ phục hồi nền kinh tế. Chính sách này nên được mở rộng đối tượng và kéo dài đến hết 2024.
Theo TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính, năm 2024 chính sách thuế nên giảm thu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân khi bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn. Do đó, tôi hoàn toàn đồng tình với việc Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, nhưng chính sách này nên giảm tiếp ít nhất là hết năm 2024 cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ.
“Kinh tế thế giới lại xuất hiện những biến động, rủi ro mới, xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Những thực tế này khiến người lao động bị cắt giảm giờ làm, thu nhập sụt giảm”, vị chuyên gia này bày tỏ.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết để chia sẻ khó khăn với đời sống người tiêu dùng trong nước. Đây là thuế đánh vào người sử dụng dịch vụ và sản phẩm nên thuế VAT giảm 2% sẽ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này bởi phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, việc giảm thuế VAT toàn bộ hàng hóa dịch vụ còn tạo thuận lợi cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ dễ dàng triển khai chính sách này.
“Việc giảm thuế là để hỗ trợ người tiêu dùng chứ không phải là doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực nào. Nên việc giảm thuế VAT cần giảm đồng loạt cho mọi hàng hóa, dịch vụ TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Đồng quan điểm đã nêu, nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay triển vọng hồi phục kinh tế thế giới còn chưa rõ nét và việc thắt chặt chi tiêu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp diễn sang năm 2024. Trong bối cảnh các chỉ số liên quan đến cân đối vĩ mô, nợ công, thâm hụt ngân sách đều trong ngưỡng an toàn. Do đó, việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2024.
“Việc Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính rà soát, để trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2024 là cần thiết, phù hợp. Bởi, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và đây chính là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với giai đoạn hiện nay đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định. Đồng thời đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể cân nhắc, trình Quốc hội xem xét mở rộng diện các mặt hàng hóa được giảm 2% thuế VAT”, đại biểu Phạm Văn Thịnh bày tỏ.
Ngoài những ý kiến đã nêu, liên quan đến chính sách giảm thuế VAT, không ít ý kiến cũng cho hay, doanh nghiệp cần thời gian tương đối ổn định để có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vì vậy, chính sách giảm thuế VAT có thể xem xét kéo dài sang hết năm 2024 để chính sách mang lại hiệu quả thực sự, kích cầu tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp sản xuất.
Thực tế, trước những tác động tích cực của chính sách giảm thuế VAT với nền kinh tế, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách này luôn được dư luận quan tâm đặc biệt, trước đó, liên quan đến giải pháp “tiếp sức” cho tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho họ. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp.
“Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, theo đó, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu…”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.