Nên giảm dần lãi suất cho vay về mức 9%
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước áp lực tỷ giá và lạm phát thì việc hạ lãi suất cần thận trọng và có lộ trình, trong đó, lãi suất cho vay nên giảm dần về mức 9% là phù hợp.
Ngân hàng chưa hết thách thức
Năm 2023, ngành ngân hàng đang có những dự báo rất khả quan khi chúng ta đi vào nền kinh tế kĩ thuật số và các ngân hàng có những dịch vụ liên quan đến kĩ thuật số. Nhiều ngân hàng cũng lạc quan về tăng trưởng tín dụng và tính thanh khoản trong hệ thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đây sẽ là năm thách thức với ngành ngân hàng trong bối cảnh lạm phát cao trên thế giới. Cùng với đó, lãi suất tại Việt Nam vẫn neo ở mức cao và các biến động khó lường trên thị trường tài chính như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Những nhận định của chúng ta trong năm 2022 sẽ kéo dài đến năm 2023 và có thể còn khó khăn hơn.
Ví dụ, số trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm nay sẽ ở khoảng 300.000 tỷ đồng và phía doanh nghiệp rất khó khăn để thu xếp vốn trả nợ cho các trái chủ, trong khi các ngân hàng cũng nắm giữ một lượng trái phiếu không nhỏ. Nếu các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ trong năm nay, thì trái phiếu mà các ngân hàng đang nắm giữ có thể đi vào tình trạng không trả được nợ.
“Theo dự báo của tôi, hiện tại vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng khoảng 1.700 tỷ đồng với hệ số an toàn vốn (CAR) 11,69%, nhưng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ trở thành nợ xấu, có thể sẽ kéo hệ số CAR xuống dưới 10%, gây ra rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Thực tế, ngành ngân hàng còn có những thách thức khác không đến từ nền kinh tế nội tại mà còn đến từ phía bên ngoài. Đó là cuộc chiến giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, mang tới nhiều hậu quả về kinh tế. Chính sách cấm vận, phong tỏa của phương Tây đối với Nga sẽ ảnh hưởng tới các thị trường dầu khí, năng lượng, ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, lạm phát toàn cầu đang tăng lên, điển hình là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 8 lần tăng lãi suất từ năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu ngừng lại trong thời gian tới. Các động thái này đều tác động trực tiếp đến Việt Nam và một điều mà thị trường không mong muốn, đó là buộc Ngân hàng Nhà nước phải giữ lãi suất ở mức cao, gây ảnh hưởng đến các thành phần kinh tế.
Giảm dần lãi suất
Mới đây, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vừa đồng loạt giảm vào ngày 6/3, với mức giảm phổ biến là 0,5%, tuy nhiên lãi suất cao nhất ở một số ngân hàng vẫn ở mức trên 9%/năm, trong khi tốc độ lạm phát cơ bản đang có dấu hiệu chậm lại. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một hiện tượng nghịch lý.
Theo vị chuyên gia, năm 2022, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 3,45% và sang 2 tháng đầu năm nay, chúng ta vẫn kiểm soát chỉ số này ở mức thấp, trong khi lãi suất huy động ở các ngân hàng lại có lúc lên trên 10%. Mặc dù đã giảm xuống mức bình quân chung khoảng 9%, nhưng sự cách biệt 5% giữa lạm phát và lãi suất huy động là quá lớn.
Xét trên nguyên tắc, nếu lạm phát ở mức 4% thì lãi suất huy động đâu đó khoảng 6% và lãi suất cho vay sẽ khoảng 9% là hợp lý (với biên độ lợi nhuận đảm bảo cho các ngân hàng là 3%). Do đó, khoảng cách từ lạm phát đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay quá cao sẽ dẫn đến sự bất hợp lý trong nền kinh tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
“Tôi cho rằng, nếu dùng chỉ tiêu đánh giá thẩm định mức độ rủi ro của các ngân hàng trên thế giới (CAMELS), thì ngành ngân hàng Việt Nam đang đối diện với hai chỉ tiêu lớn nhất đó là: thanh khoản và lãi suất. Điều này bắt đầu từ vấn đề nợ xấu. Nợ xấu tạo ra tính mất thanh khoản của ngân hàng, khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất cao để tiếp tục vận hành.
Tuy nhiên, một vấn đề khó tránh hiện nay trên thị trường đó là, việc hạ lãi suất cho vay cũng cần thận trọng, có lộ trình. Chúng ta không thể kéo lãi suất cho vay xuống tức thì vì vấn đề lãi suất có liên quan đến tỷ giá. Thời gian qua, khi Fed tăng lãi suất làm tăng giá trị đồng USD và giảm giá trị VND, đồng nghĩa với việc tỷ giá tăng cao, ảnh hưởng đến giá hàng hoá nhập khẩu và gây áp lực lên lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang giữ lãi suất như hiện tại, nhưng dần dần sẽ phải kéo lãi suất cho vay xuống khoảng 9% mới là phù hợp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn