Nàng tiên cá cuối cùng: Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương

Nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ Văn học Phần Lan”, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC) trân trọng tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt cuốn sách Nàng tiên cá cuối cùng – tác phẩm độc đáo của nữ nhà văn Phần Lan Iida Turpeinen.

Chương trình có sự tham gia của ông Keijo Norvanto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; hai dịch giả Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa – những người đã chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt; PGS. TS. Nguyễn Thành Nam – Phó Trưởng Khoa Sinh học; Giám đốc Bảo tàng Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia trong lĩnh vực động vật học và nhà văn Di Li – người điều phối buổi trò chuyện.

Nàng tiên cá cuối cùng: Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương
Sự kiện ra mắt sách diễn ra ngày 19/07/2025 tại Nhà xuất bản Kim Đồng, 55 Quang Trung, P. Hai Bà Trưng, Hà Nội

Sự kiện ra mắt sách Nàng tiên cá cuối cùng mang chủ đề “Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương” sẽ mang đến không gian giao thoa giữa văn chương và khoa học. Trong không gian sự kiện, độc giả sẽ cùng các chuyên gia chia sẻ và lắng nghe lịch sử đau thương của bò biển Steller, về những xung đột trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, về câu chuyện đằng sau sự kiện tuyệt chủng của một loài động vật; đồng thời phân tích cách tác giả kết hợp giữa dữ kiện khoa học, dữ kiện lịch sử và sử dụng nghệ thuật kể chuyện trong văn chương – một hình thức truyền bá khoa học hiệu quả.

Nàng tiên cá cuối cùng mang đến một hành trình xuyên thời gian và không gian, nơi số phận con người và tự nhiên đan xen trong những trang sử đầy day dứt. Cuốn sách dẫn từ chân dung của loài bò biển Steller để mở ra chuyến phiêu lưu choáng ngợp xuyên suốt ba thế kỉ, kể lại những tác động của con người lên thế giới tự nhiên, khắc họa những mộng ước lớn lao của con người: về khoa học, nghệ thuật và khao khát phục sinh những gì chính tay nhân loại đã hủy diệt.

Nàng tiên cá cuối cùng: Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương
Ông Keijo Norvanto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam: Nàng tiên cá cuối cùng là một tác phẩm không chỉ khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên mà còn góp phần thúc đẩy đối thoại và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Câu chuyện khởi đầu với cột mốc năm 1741, Georg Wilhelm Steller, một nhà tự nhiên học người Đức, đã thực hiện chuyến thám hiểm Bắc Thái Bình Dương cùng thuyền trưởng Vitus Bering với mục tiêu tìm tuyến đường biển từ châu Á sang châu Mỹ. Tuy không chạm tới một lục địa mới, nhưng họ đã có một phát hiện bất ngờ khác: bò biển Steller, một loài động vật có vú khổng lồ – “nàng tiên cá” trong truyền thuyết. Cho đến nay, Steller vẫn là người duy nhất có những ghi chép chi tiết về loài vật này khi chúng còn sống.

Hòn đảo nơi loài bò biển sinh sống nhanh chóng trở thành điểm dừng chân của hàng loạt chuyến hải trình săn “vàng” từ lông thú. Những con bò biển hiền lành không ngờ rằng, sự xuất hiện của loài người tại nơi đây đã gióng lên điềm báo tử thần cho chúng. Những người săn lông thú, ban đầu đến vì rái cá và cáo, đã phát hiện ra hương vị thơm ngon và lượng mỡ dồi dào của thịt bò biển. Chưa đầy 30 năm kể từ khi được Steller phát hiện, loài bò biển này đã bị tuyệt diệt.

Nàng tiên cá cuối cùng: Tiếng vọng từ truyền thuyết nơi đại dương
Cuốn sách Nàng tiên cá cuối cùng – tác phẩm độc đáo của nữ nhà văn Phần Lan Iida Turpeinen

Năm 1861, thống đốc người Phần Lan tại Alaska thuộc Nga cử người tìm kiếm bộ xương của loài động vật biển có vú khổng lồ trên, với mong muốn tái hiện một truyền thuyết đã biến mất từ trăm năm trước. Sau đó vào năm 1952, chuyên gia phục chế John Grönvall tại Bảo tàng Helsinki (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan) đã nhận nhiệm vụ phục chế bộ xương bò biển Steller hiếm hoi còn nguyên vẹn được gửi về đây.

Khéo léo lồng ghép những chi tiết khoa học tỉ mỉ – từ giải phẫu học của các loài động vật đến các khái niệm về địa chất và tiến hóa – vào một mạch truyện đầy tính nhân văn, Nàng tiên cá cuối cùng của Iida Turpeinen mang âm hưởng của một bản giao hưởng bi tráng về sự mất mát và những thay đổi trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài tài tình giữa các yếu tố khoa học và văn chương, tạo nên một không khí day dứt, đầy chiêm nghiệm xuyên suốt tác phẩm.

Nàng tiên cá cuối cùng là một tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên và những di sản mà chúng ta để lại. Dưới ngòi bút của Iida Turpeinen, lịch sử không chỉ là những sự kiện vĩ đại mà còn là tổng hòa của những câu chuyện cá nhân, những cuộc đời đã góp phần định hình thế giới của chúng ta.

Với Nàng tiên cá cuối cùng, nữ nhà văn Iida Turpeinen đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Finlandia – giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Giải thưởng Torch-Bearer – giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới. Tính đến nay, cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hi Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì…

PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button