Nâng chất cơ sở lưu trú – dịch vụ du lịch tại Thủ đô

Việc tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý Nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng.

Đứng trước đợt chuẩn bị nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và cao điểm du lịch quốc tế, để khôi phục mức tăng trưởng và duy trì lượng khách hàng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh, các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội cần nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú.

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn và căn hộ du lịch đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng (20 khách sạn 5 sao, 21 khách sạn 4 sao; 8 căn hộ du lịch 5 sao; 2 căn hộ du lịch 4 sao); chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.

Còn lại 3.153 cơ sở lưu trú du lịch chưa xếp hạng (trong đó 765 khách sạn, căn hộ du lịch). Trong 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Về các cơ sở dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được Sở Du lịch Hà Nội quyết định công nhận.

Nâng chất cơ sở lưu trú - dịch vụ du lịch tại Thủ đô

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu.

Sau đợt cao điểm Hè dành cho khách nội địa, từ tháng 9 đến tháng 3, 4 năm sau được xem là “mùa vàng” để đón và phục vụ khách quốc tế. Chuẩn bị cho lộ trình này, một số địa phương, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…và các doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) đã và đang gấp rút nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, xây dựng kế hoạch dài hơi với những sản phẩm chủ lực mới.

Tại “Hội nghị tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian qua, công tác quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực trạng tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố hiện còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nổi bật là hạ tầng cơ sở vật chật kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng; dịch vụ gia tăng phục vụ khách du lịch còn hạn chế.

Nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch về lưu trú du lịch, về kinh doanh dịch vụ du lịch khác chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều; đặc biệt rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch; còn thiếu các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, thể dục thể thao…

Nâng chất cơ sở lưu trú - dịch vụ du lịch tại Thủ đô

Hội nghị tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ các khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định, yếu tố đầu tiên phải kể đến là phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật. Hà Nội cần thúc đẩy xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, khách sạn phát triển, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng thương mại, các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch; phát triển hệ thống các cơ sở văn hóa và vui chơi giải trí, sân golf,… cao cấp theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đầu tư xây dựng các tổ hợp y tế khám chữa bệnh tầm cỡ quốc tế để phục vụ khách du lịch.

Hai là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hà Nội cần xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú của Thủ đô. Thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, khách sạn Thủ đô. Nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân trẻ có tay nghề cao để bảo tồn, duy trì, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội. Xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trú; xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành để xử lý triệt để các hiện tượng ép giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với khách du lịch tại các cơ sở lưu trú của Thành phố.

Với các mục tiêu cho phát triển du lịch thủ đô, trong thời gian tới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%. Do vậy ngay từ bây giờ, Hà Nội sẽ tạo bước phát triển toàn diện, đồng bộ cả về quy mô, chất lượng, từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button