Năm 2025 được dự báo là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công dưới 4%
Với giả định CPI trong 6 tháng cuối sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp này, năm 2025 sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công dưới 4%.
Mới đây, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”. Hội thảo khoa học tập trung vào các nhóm vấn đề lớn, các yếu tố tác động đến thị trường và giá cả 6 tháng đầu năm 2025. Những yếu tố này, khi tác động vào nền kinh tế Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng mà còn tác động đến tâm lý thị trường, hành vi doanh nghiệp và cả niềm tin kinh tế của người dân.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài Chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản (loại trừ các yếu tố biến động mạnh như lương thực, năng lượng) chỉ tăng 3,16%, cho thấy áp lực lạm phát chủ yếu đến từ chi phí đẩy chứ không phải cầu kéo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,73%). Đặc biệt từ quý II, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đồng thời gây áp lực lên giá cả.
Trong khi đó, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm, nên về tổng thể, chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu đã giảm 1,57 % và giúp giảm áp lực lạm phát. Về tổng thể, áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm không quá lớn, mặc dù cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024.
Với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.
“Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2016” – TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, song chuyên gia cũng lưu ý các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp.

TS.Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, trong những tháng cuối năm để bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, cần tiếp tục chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, những điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn đặc biệt là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước nhất là với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Để đảm bảo cân đối cung cầu thị trường, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện và các nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất… các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.
Lê Long