Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có khả thi?

Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 54 – 55 tỷ USD, mục tiêu này được đánh giá là khả quan nhưng cần nhiều nỗ lực.

Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, triển khai kế hoạch năm 2023, ngành nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.

Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có khả thi?

Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội.

Trong đó, thời tiết thuận lợi nên có điều kiện phát triển trồng trọt; dịch bệnh được kiềm chế ở cây trồng và vật nuôi. Về khó khăn, được xác định từ cuối năm 2022 về cả thị trường trong nước và xuất khẩu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập của bà con nông dân.

“Trước bối cảnh trên, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà con nông dân, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt được kết quả tương đối cao trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tuy diện tích lúa giảm nhưng năng suất rất cao. Cả nước đã gieo cấy được 4,98 triệu ha lúa, năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Diện tích cây ăn quả 1,22 triệu ha, tăng 2,7%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Lâm nghiệp tăng về trồng rừng và khai thác gỗ. Về thủy sản, tăng trưởng tương đối tốt.

Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, có gam màu sáng và chưa sáng với giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng gạo tăng rất nhanh, tăng 34,7%, hạt điều tăng 7,7%,…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn sẽ còn rất nhiều trong khi mục tiêu tương đối cao. Trong đó, tốc độ GDP toàn ngành phấn đấu đạt từ 3-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, nâng cao chất lượng rừng,…

Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có khả thi?

Với ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản.

“Chúng ta thấy quan trọng nhất là câu chuyện mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại. Không có thị trường chúng ta không sản xuất được, muốn đạt được bằng năm ngoái, mỗi tháng, chúng ta phải tăng trưởng từ 7-8%. Đồng thời, chúng ta cũng phải thúc đẩy sản xuất, không có sản xuất thì không có tăng trưởng”, ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Về công tác đầu tư, Bộ NN&PTNT đã lọt top 5 các Bộ, ngành có mức giải ngân đầu tư công cao nhất cả nước. Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng).

Đến ngày 30/6, Bộ NN&PTNT ước giải ngân 3.098,3 tỷ đồng, đạt 31,4% kế hoạch, cao hơn so với mức đạt 26% của 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, vốn trong nước đạt 32,7% và vốn ODA 27%.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng có những chỉ đạo sát sao đạt được một số kết quả về xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP.

Đến hết tháng 6, cả nước có 6.011/8.177 xã, chiếm 73,5% đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 0,43% so với cuối năm 2022. Trong đó, có 1.326 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 335 xã) và 174 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 53 xã).

Cũng tính đến hết tháng 6, có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 42 sản phẩm phẩm, công nhận 5 sao.

Đến nay, cả nước có 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản.

“Các nước ASEAN và ngành nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trước giờ, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì Bộ đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. An ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Xác định những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều từ suy giảm thị trường, tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào và thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT xác định nhiều giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Bộ NN&PTNT tập trung tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các văn bản, thông tư và 4 quy hoạch của ngành. Bộ sẽ triển các chương trình lớn và đặt quyết tâm giải ngân đầu tư công 100%, tạo tiền đề cho các năm 2024 – 2025.

“Bộ NN&PTNT luôn xác định tăng cường truyền thông tạo sự đồng thuận của các Bộ/ngành, địa phương, nhân dân cả nước cho những mục tiêu đề ra. Hướng đến kết quả tổng kết cuối năm cao hơn các năm trước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 54 – 55 tỷ USD. Mục tiêu này là khả quan, tuy nhiên để đạt được, cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản cần tận dụng tốt các FTA.

Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng; các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu; các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, có tăng trưởng khả quan như ASEAN…

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button