Mong muốn trở thành điểm mới trên bản đồ du lịch Việt Nam

Tạo cảm xúc mới và riêng có cho du lịch Lai Châu đó là những chia sẻ của những nhà làm du lịch và cả trăn trở của những nhà quản lý, sự vào cuộc của cả hệ thống sẽ giúp cho du lịch tỉnh Lai Châu phát triển chuyên nghiệp trên nền tẳng sẵn có về hạ tầng văn hóa du lịch và sản phẩm du lịch thiên nhiên.

Sáng ngày 5/11, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp Cục Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu” sau hơn 2 ngày khảo sát các sản phẩm du lịch tại: Khu du lịch Đèo Ô Quý Hồ, Cầu kính rồng mây, bản du lịch cộng đồng Lao Chải, đồi chè Tân Uyên, thiên đường nghỉ dưỡng (Homestay Tan Uyen Paradise), Vịnh Pá Khôm, phố đi bộ 15/10 thị trấn Than Uyên, …

Mong muốn trở thành điểm mới trên bản đồ du lịch Việt Nam
Check in trên đường tới đỉnh Putaleng

Buổi tọa đàm có đồng chí Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); các đồng chí Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch, UBND các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu, Hiệp hội Du lịch Lai Châu; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu tiểu trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành của 3 miền Bắc – Trung – Nam, tỉnh Lai Châu, các tỉnh Bắc Lào; các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương…

Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Lai Châu là tỉnh có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại, những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng và có bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh Lai Châu đang nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu trong phát triển du lịch. Hy vọng với cuộc tọa đàm này, các đại biểu sẽ thảo luận, phân tích về tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Lai Châu, từ đó đề xuất các phương án thực hiện có tính khả quan cao, mang lại hiệu quả thực chất cho địa phương.

Nêu ra những ý kiến đánh giá, gợi ý, đề xuất, kiến nghị nhằm đưa du lịch tỉnh Lai Châu trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam các doanh nghiệp đã tích cực tham gia khá thẳng thắn và trân thành:

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Hà Nội nêu ý để du lịch Lai Châu phát triển nhanh và bền vững tỉnh cần có chiến lược và có giải pháp tích cực, đặc biệt là sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng hành lang tốt để thu hút nhà đầu tư. Với Lai Châu hiện nay có thể tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm. Để phát triển du lịch, điều quan trọng nhất là đã đến lúc Lai Châu nên thay đổi tư duy, thay đổi hành động để tạo ra những cảm xúc mới và riêng có cho du khách khi đến Lai Châu”.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy nhận định: “Lai Châu là tỉnh hội tụ đầy đủ hệ sinh thái du lịch từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng đến phát triển du lịch bền vững và du lịch bảo vệ môi trường; Lai Châu đã có rất nhiều các đề án để khai thác cũng như phát triển thị trường du lịch đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc đánh giá và xây dựng “thương hiệu điểm đến” du lịch của Lai Châu chưa rõ nét; chuỗi cung ứng về du lịch của Lai Châu chưa được khớp, đang bị đứt gãy từ hệ thống về giao thông cũng như là khách sạn, nhà hàng và đặc biệt nhất là nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được. Vì vậy, để du lịch Lai Châu sớm là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, cần sớm định vị và xây dựng thương hiệu điểm đến, phân khúc thị trường và xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp cũng như có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đến với Lai Châu”.

Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel, Thành phố Hồ Minh cho rằng: Lai Châu chú trọng thêm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển vùng sâm Lai Châu; định hướng khách hàng theo hướng nghỉ dưỡng và trị bệnh hoặc thưởng thức các món ăn bổ dưỡng; không nên chú trọng riêng về du lịch tham quan, tự nhiên. Mặt khác, đoạn đường giữa các điểm du lịch xa nhau nhưng lại không có điểm dừng nghỉ để du khách check in, chụp ảnh giới thiệu về Lai Châu; đặc biệt là du lịch cộng đồng còn khó khăn, vì vậy tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, Lai Châu cần giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc và nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; Lai Châu cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để nhiều khách du lịch biết đến; cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng cách tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có sự liên kết tuyến giao thông, liên kết các giá trị văn hóa với các địa bàn lân cận để tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng.

Lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đa chiều, Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách với mong muốn lớn nhất để ngành du lịch Lai Châu có những đột phá; sớm đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch Lai Châu kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch tại khu vực Tây Bắc, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên – văn hoá – con người Lai Châu đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Mộc Nhung

 

 

 

( Tin đăng ngày  7/11/2023 )

Bài Viết Liên Quan

Back to top button