MỞ CỬA DU LỊCH: Tập trung nâng cao chất lượng lao động
Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, Việt Nam cần có những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng lao động hơn trước, tinh hơn trước và có nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh, thu hút khách hàng hơn trước.
Phát biểu tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề I: Mở cửa du lịch linh hoạt – an toàn – hiệu quả do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/3/2022, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có một số vấn đề mà doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hiện đang rất lo lắng đó là, trong suốt thời gian vừa qua, việc mở cửa liệu có an toàn không, có khách hay không? Những việc chúng ta làm để có chất lượng phục vụ tốt nhất, nhằm thu hút khách hàng mới và có sản phẩm mới, vì rõ ràng sản phẩm du lịch của Việt Nam trong bối cảnh sau 15/3 chắc chắn sẽ là những sản phẩm rất mới, khác với những sản phẩm cũ. Đáng chú ý, cũng có một số vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập đến là về lực lượng lao động.
“Với tư cách là một chuyên gia trong vấn đề lao động, tôi cho rằng, thị trường lao động của ngành du lịch khi chúng ta mở cửa thì sẽ có rất nhiều nhu cầu và nếu có một mức lương, điều kiện thỏa đáng, chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các lĩnh vực khác sang ngành du lịch. Nhưng ở đây có một vấn đề mà chúng ta đã thảo luận trước đó, là hiện nay các lao động trong ngành du lịch trước khi đại dịch thì người lao động cũng đã trở về quê và chưa trở lại hoạt động kinh doanh. Còn lao động ở những khu vực không có vùng dịch thì cũng chỉ hoạt động cầm chừng, ở 50-60%”, bà Lan Anh nói.
Cũng theo vị Tồng Thư ký VCCI, trong thời gian tới, khi chính thức mở cửa hoạt động dịch vụ, kinh doanh, làm thế nào để thu hút lại được lực lượng lao động cũng là một bài toán, đồng thời làm sao để thu hút họ, giúp họ quay trở lại làm việc. Chúng ta cũng đề cập đến Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định 23/QĐ-CP của Chính phủ trong việc làm thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì đại dịch, đặc biệt có nội dung liên quan đến đào tạo và đào tạo lại. Do đó, chúng ta cần có kế hoạch đào tạo mới khi nhiều người chuyển sang ngành khác và không quay lại ngành du lịch nữa, đồng thời tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ.
“Hiện nay, theo số liệu mới đã cập nhật được từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, chúng tôi thấy rằng, chương trình liên kết đào tạo mà các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập đến với con số kiến nghị là chúng ta mới chỉ giải ngân được thực tế 5,44 tỷ cho một số tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,… trong khi trên thực tế, đã thông qua hồ sơ của 45 đơn vị sử dụng lao động cho 4644 lao động.
Trong quá trình làm việc với các đơn vị, chúng tôi thấy trong lĩnh vực du lịch chỉ có một doanh nghiệp là khách sạn Mường Thanh đã làm việc với Tổng cục Du lịch để thực hiện chương trình này. Vì vậy, làm thế nào để Nhà nước có thể hỗ trợ cho lao động trong lĩnh vực du lịch, để triển khai các chương trình còn rất khó khăn. Hiện, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã có ký kết với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp để triển khai lĩnh vực này, trong thời gian tới, đặc biệt là sau ngày 15/3, chúng ta sẽ phải đẩy mạnh việc này hơn.
Còn nếu chương trình kết thúc vào tháng 6/2022, sẽ rất khó khăn và “kẹt” cho doanh nghiệp, vì thế, chúng tôi cũng có trao đổi cụ thể với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Bộ Lao động Thương binh Xã hội họ cũng rất nhất trí, hào hứng với những đề xuất cụ thể”, bà Lan Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề mà Tổng thư ký VCCI đề cập, đó là làm thế nào để kéo dài và cắt giảm các thủ tục khó khăn như yêu cầu về tiêu chí bảo hiểm xã hội. Hiện nay các lao động trong lĩnh vực du lịch đã nghỉ rấy nhiều và rõ ràng doanh nghiệp sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho những lao động này nữa.
Do đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện Giới sử dụng lao động sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp du lịch, cùng các cơ quan hữu quan, có kiến nghị mạnh mẽ, giúp chúng ta trong thời gian tới có thể tận hưởng được chính sách mà Chính phủ đã đang có những hoạt động rất quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, còn cần làm thế nào để có những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng lao động, vì sắp tới, chất lượng lao động phải cao hơn trước, tinh hơn trước. Và những sản phẩm của chúng ta cũng phải mang tính cạnh tranh, có thể thu hút được khách hàng đến với Việt Nam nhiều hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn