MỞ CỬA DU LỊCH: Đừng để “lỡ nhịp”!
Theo đúng kế hoạch, hôm nay (15/3) Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Nhưng có điều đặc biệt là, nhìn lại đúng thời khắc giờ G đã điểm, hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành.
“Khá kì lạ” là từ mà TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam dùng để đánh giá về những đề xuất của Bộ Y tế. Theo ông Nam, quan điểm về dịch tễ và quy định chống dịch trong nước đang ngày càng thông thoáng, đến mức Bộ Y tế đã đề xuất cho F0 và F1 được đi làm. Thế nhưng, cũng chính Bộ Y tế lại đặt ra rất nhiều rào cản kỹ thuật nhằm kiểm soát khách du lịch quốc tế.
Từ háo hức sang lo lắng
Tròn một tháng, từ ngày 15/2, sáu bộ gồm: Văn hoá – Thể thao – Du lịch; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận tải; Công an và Quốc phòng thống nhất đề xuất với Chính phủ phương án mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15/3. Bộ VH-TT-DL đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị. Ngay hôm sau, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận chính thức của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chốt phương án mở cửa du lịch từ 15/3.
“Tiếng chuông” từ Chính phủ đã đánh thức làm bừng tỉnh toàn bộ hệ sinh thái của ngành du lịch sau kỳ ngủ đông dài chưa từng có trong lịch sử. Các doanh nghiệp ngành du lịch hồ hởi háo hức nhanh chóng tỉnh giấc với rất nhiều kế hoạch. Nói gì thì nói, ngành du lịch cũng đang được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Thế nhưng, mong chờ háo hức dần dần lại được thay thế bằng cảm giác hoang mang lo lắng của doanh nghiệp khi họ từng ngày từng ngày chờ đợi hướng dẫn. Và đến đúng ngày mở cửa (15/3), hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành.
Trước khi mở thì Bộ Y tế và Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch bất đồng quan điểm quy định y tế, tới sát ngày thì những quy định vẫn dừng ở dấu hỏi chấm. “Sự lúng túng và chậm trễ từ phía cơ quan quản lý không chỉ làm mất niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp mà các đối tác quốc tế cũng sẽ không còn tin tưởng vào những cam kết của Việt Nam” – ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn nói.
Con số 0 là những gì đa số doanh nghiệp inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) có trong đợt mở cửa đón khách quốc tế 15/3. Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh với những điều kiện của Bộ Y tế, du khách sẽ gần như không quan tâm tới việc đến du lịch Việt Nam. Điều này sẽ đẩy ngành du lịch, hàng không vào thế vô cùng khó khăn.
Chính sách cần đúng thời điểm
Nói như vậy để thấy đây như bài học để những người làm chính sách cần nhanh nhạy hơn nữa thích ứng trước thời cuộc. Bà Hoàng Thùy Linh, Phó giám đốc phòng Tiếp thị Truyền thông Saigontourist nhận định “Chúng ta chậm đưa ra hướng dẫn cụ thể làm hạn chế cơ hội phục hồi của ngành du lịch. Du khách đang có đa dạng lựa chọn về điểm đến và lên kế hoạch cho chuyến đi, thay vì chọn Việt Nam trong 3-6 tháng tới”.
Hiện nay, 2 vướng mắc lớn nhất là chính sách nhập cảnh và chính sách cách ly. Trước năm 2019, chính sách của chúng ta khá dễ dàng cho du khách tới. Sau 2 năm dịch, mọi thứ vẫn chưa thể trở lại như cũ. Nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực như trước để đón khách dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông báo chính thức được đi ra.
Thứ hai là chính sách về cách ly. Tới đúng ngày mở cửa theo kế hoạch, Bộ Y tế vẫn chưa có thêm đề xuất gì về việc thời gian cách ly cho du khách Quốc tế. Nếu vẫn giữ nguyên như đề xuất cũ, các doanh nghiệp thừa nhận mọi thứ sẽ quá khó cho du khách. Bởi trung bình, tour của du khách quốc tế chỉ kéo dài 7-14 ngày. Việc cách ly 3 ngày sẽ khiến họ không còn thời gian du lịch.
Chúng ta đang tạo ra rào cản, gây khó cho du khách. Nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia… họ cũng mở cửa nhưng không có nhiều quy định, yêu cầu đối với du khách quốc tế. Họ chỉ yêu cầu khi du khách nhập cảnh, test nhanh, nếu âm tính thì du khách có thể thoải mái đi du lịch mà không cần phải trọn gói theo tour chương trình hay một địa điểm du lịch nào đó.
Thiết nghĩ, ngày 15/3 mở cửa du lịch hay trước đó mở cửa đường bay quốc tế có thể nói đó là động thái phá băng hay còn gọi là “rã đông” cho ngành du lịch, vậy nên chăng giảm thiểu tối đa nhưng yêu cầu, quy định để không tạo thành rào cản, khiến khách quốc tế e ngại.
Câu chuyện này đã một lần nữa thấy rằng, sự lệch pha với độ trễ thời gian sẽ khiến chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm đi vào cuộc sống, làm tăng hoang mang lo lắng cho doanh nghiệp – chủ thể chính trong việc phục hồi kinh tế; đó là chưa kể nếu ban hành sai thời điểm sẽ không những chẳng phát huy được hiệu quả, mà còn lạc lõng với thời cuộc.
Ngày 26/2, Bộ Y tế có phản hồi về dự thảo “Phương án mở cửa hoạt động du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung bao gồm việc không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu họ không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).
Sau đó, trong dự thảo phòng chống Covid-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đến chiều 14/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy định theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Theo đó, Bộ Y tế phải gửi các quy định cụ thể lại cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố.
Theo Linh Nga (Diễn đàn doanh nghiệp)