Meta thu phí tích xanh: Vấn đề không chỉ là tiền
Vấn đề ở đây không phải chỉ là tiền, mà là một bước ngoặt trong chiến lược phát triển cốt lõi sản phẩm của Meta cũng như giá trị được nhận của người dùng mạng xã hội.
Elon Musk đã từng gây chú ý với những cập nhật lớn liên quan đến Twitter, trong đó đáng chú ý có dịch vụ “mua tích xanh” Twitter Blue, và mới đây Mark Zuckerberg cũng làm điều tương tự với nền tảng của mình.
Tổng giám đốc Meta đã giới thiệu dịch vụ đăng ký cho Instagram và Facebook, cho phép người dùng mua huy hiệu màu xanh đánh dấu các tài khoản đã được xác minh. Được biết đến với cái tên Meta Verified, dịch vụ này sẽ ra mắt tại Úc và New Zealand trong tuần này và sẽ sớm ra mắt tại các quốc gia khác.
Tương tự như Twitter Blue, Meta Verified định nghĩa lại kí hiệu xác minh tài khoản (không còn là quà tặng dành cho những tài khoản nổi tiếng như trước đây). Ai cũng có thể sở hữu kí hiệu này – miễn là họ sẵn sàng trả tiền. Nhưng có sự khác biệt giữa Twitter và Meta.
Theo đó, Meta tính phí cao hơn (11,99 USD trên web và 14,99 USD trên thiết bị di động). Con số này của Twitter lần lượt là 8 USD và 11 USD. Ngoài ra, Meta cũng sẽ yêu cầu người dùng xác nhận danh tính của họ bằng ID do chính phủ cấp, điều mà Twitter không yêu cầu.
Với số tiền đó, tài khoản của bạn sẽ được “hiển thị và tiếp cận” với phạm vi cao hơn trên các nền tảng và tăng khả năng tiếp cận với bộ phận hỗ trợ khách hàng, cùng với các đặc quyền khác.
Với Zuckerberg, mục tiêu đằng sao dịch vụ này là “tăng tính xác thực và bảo mật trên các dịch vụ” của mình. Meta Verified có thể giúp giải quyết một số vấn đề về tài khoản giả đã gây khó khăn cho nền tảng của công ty.
Trong khi giấc mơ về metaverse còn rất xa và doanh thu ngày càng giảm, Meta cần bắt đầu tăng trưởng càng sớm càng tốt. Họ hy vọng doanh thu từ dịch vụ mới có thể bù đắp một số thiệt hại mà những thay đổi về quyền riêng tư của Apple và sự bất ổn về kinh tế đã gây ra cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ.
Đây là vấn đề lớn không chỉ đối với Meta mà còn đối với trải nghiệm của người dùng trên mạng xã hội. Vấn đề ở đây không phải chỉ là tiền, mà là một bước ngoặt trong chiến lược phát triển cốt lõi sản phẩm của Meta cũng như giá trị được nhận của người dùng mạng xã hội.
Bằng cách hứa hẹn tăng phạm vi tiếp cận để đổi lấy doanh thu, Zuckerberg đang củng cố quá trình phát triển của mạng xã hội từ một công cụ giao tiếp cơ bản thành một phương tiện giải trí có thu phí để phục vụ những người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp.
Facebook từng có khẩu hiệu “Luôn luôn miễn phí”. Nhắc đến Facebook là nhắc đến chia sẻ, kết nối bạn bè, người thân. Khẩu hiệu hiện tại của Facebook là “kết nối và chia sẻ với người thân trong cuộc sống”. Facebook đã từng “báo động” vì càng ngày người dùng càng ít đăng thông tin chia sẻ cuộc sống lên nền tảng này và cũng rất vất vả tìm mọi cách để người dùng đại trà chia sẻ nhiều hơn.
Thế nhưng, với dịch vụ tích xanh, cùng với quyền lợi “tăng phạm vi tiếp cận” cho những người bỏ tiền, Facebook đã đi ngược lại hẳn với chính chiến lược cốt lõi trong sản phẩm của họ.
Còn đối với người dùng đại trà, có thể dự đoán bảng tin sẽ ngày càng nhiều thông tin của “người tích xanh bỏ tiền”, là những người làm nội dung chuyên nghiệp, những người kinh doanh trên nền tảng này, mà ngày càng ít thông tin chia sẻ của người thân. Một sự “phản chia sẻ” đối với khẩu hiệu của Facebook.
Chưa rõ tính toán của Zuckerberg với sự thay đổi này là thế nào.