Meta loay hoay với việc kiếm tiền từ video
Đây là ưu tiên hàng đầu của Meta trong năm 2023. Để làm được điều này, họ sẽ hiển thị nhiều quảng cáo hơn lên Reels, đồng thời trả phí cho những nhà sáng tạo nội dung nhằm giữ chân người dùng.
Reels là các trang video dạng ngắn được Meta phát triển trên Instagram và Facebook, một tính năng “nhái” Tiktok. Trong cuộc họp về kết quả doanh thu đầu tháng 2 vừa qua, Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc Meta nói rằng, Meta đang mất đi doanh thu vì Reels, bởi người dùng có xu hướng chuyển sang xem Reels hơn là ở lại trang chủ chính, nơi Meta hiển thị quảng cáo trên Facebook hoặc Instagram, nguồn doanh thu lớn của công ty này. Vậy nên trong năm 2023, Zuckerberg nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là phải biến Reels thành công cụ kiếm tiền.
Ban đầu, Meta cho ra mắt Reels trên Facebook và Instagram năm 2020 nhằm cạnh tranh với TikTok. Trong năm ngoái, lượt dùng Reels tăng gấp đôi. Số lượng video được chia sẻ cũng tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua. Khoảng 2 tỷ người dùng Instagram tương tác với Reels mỗi tháng. Thế nhưng Meta không chỉ cần người dùng Reels, mà họ còn cần doanh thu từ các lượt dùng đó.
Theo Monica Siegman, chiến lược gia tiếp thị kỹ thuật số của agency Volume Nine (Mỹ), Meta chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo. Vậy nên việc biến Reels thành công cụ kiếm tiền tức là Meta đang muốn người dùng sẽ xem nhiều quảng cáo hơn trên Reels. Không chỉ vậy, Meta còn khuyến khích những nhà sáng tạo nội dung hoạt động trên Reels, từ đó giữ chân người dùng và phân phối thêm nhiều quảng cáo.
Năm 2021, Meta tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho các nhà sáng tạo nội dung với chương trình Stars. Theo đó, người dùng có thể tặng thưởng cho những nhà sáng tạo nội dung trên Reels bằng các ngôi sao ảo, còn người sáng tạo sẽ dùng sao ảo này đổi thành tiền mặt.
Hoặc khi người sáng tạo nội dung đạt đến một mốc lượt xem hay tương tác nhất định, Meta cũng có phần thưởng thêm cho họ. Lúc chương trình khởi động năm 2021, các nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm được từ 600 USD đến 35.000 USD tiền thưởng. Tuy nhiên đến tháng 4 năm ngoái, số tiền này giảm xuống 70%.
Bên cạnh đó, người sáng tạo nội dung còn được nhận 55% doanh thu từ các banner quảng cáo xuất hiện trong video Reels của họ.
Hiện vẫn chưa rõ những chính sách này có kéo được nhiều nhà sáng tạo trên TikTok về dùng 2 nền tảng của Meta hay chưa. Thế nhưng hiện nay ngoài TikTok, Meta còn đang phải cạnh tranh với YouTube Shorts thuộc Alphabet, đơn vị cũng có chính sách ưu đãi tương tự cho những nhà sáng tạo nội dung.
Về phía những nhà quảng cáo, Meta đang tích cực hỗ trợ họ các thông tin cần thiết để quảng cáo trên Reels, chẳng hạn video hướng dẫn “Reels School”. Theo Nicola Mendelsohn, phó chủ tịch kinh doanh toàn cầu của Meta, có hơn 40% nhà quảng cáo chạy quảng cáo trên Reels.
Kenny Bost, đối tác của agency marketing True North Social, cho biết hiện nay hơn một nửa số công ty muốn chạy chiến dịch marketing dạng nội dung ngắn thì đều hướng đến TikTok. Tuy nhiên nhiều bên lại lo ngại khi tập làm quen với ứng dụng này, đặc biệt với những công ty có chủ sở hữu không thuộc Gen Z. Do đó theo ông đây chính là cơ hội tốt cho Meta, bởi Instagram và Facebook là những nền tảng có tuổi đời lâu hơn TikTok. Không chỉ vậy nhiều công ty lớn cũng đã có sẵn tài khoản Facebook hoặc Instagram.
Ngoài ra một bất lợi khác của TikTok là ứng dụng này đang bị FBI theo dõi chặt chẽ vì những lo ngại về chia sẻ thông tin người dùng. Thậm chí một số nhà làm luật còn muốn chặn luôn TikTok. Mặc dù TikTok có cho chính phủ Mỹ một số quyền hạn giám sát, tuy nhiên tương lai của ứng dụng này vẫn chưa ổn định hoàn toàn.
Một điểm yếu khác của TikTok là ứng dụng này “biến động” quá mạnh, theo Siegman. Những video gây sốt TikTok thì thường dựa theo xu hướng. Trong khi đó không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực để bắt kịp xu hướng. Điều này có thể khiến các công ty muốn tìm đến một nền tảng “an toàn” hơn, dễ dự đoán hơn, như Facebook và Instagram. Siegman cho rằng mặc dù một số chiến dịch thì chạy tốt trên TikTok hơn, nhưng để phát triển về lâu về dài thì Meta lại là lựa chọn phù hợp hơn.