Mê mẩn kiến trúc nhà cổ có một không hai của người dân tộc Mông cao nguyên đá

Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Mông là một dân tộc đông dân thứ năm và là dân tộc thiểu số đông thứ tư Việt Nam. Người Mông ở nước ta luôn cần cù, chịu khó trong sản xuất, có tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên trong cuộc sống. Văn hóa của người Mông đa dạng, phong phú, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gắn liền với đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào. Trong đó đặc biệt phải kể đến những nét đặc sắc trong lối sống và văn hóa kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc người Mông.

Trên hành trình về thăm Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách sẽ dễ bị thu hút bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người mộc mạc, giản dị. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn riêng có của vùng núi cao nguyên đá là những ngôi làng, trong đó có những ngôi nhà mang lối kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc mông.

Mê mẩn kiến trúc nhà cổ có một không hai của người dân tộc Mông cao nguyên đá
Du khách bị thu hút bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người mộc mạc, giản dị khi về thăm Cao nguyên đá Đồng Văn

Nhà của người mông không phải là những công trình to lớn hay sang trọng, mà chúng đặc sắc với kiến trúc độc đáo và là kết quả của thói quen sống, lối sinh hoạt và môi trường sống. Những căn nhà này không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng của giá trị dân tộc, cất giữ những nét linh thiêng của dòng tộc.

Ngôi nhà truyền thống của người Mông được xây dựng công phu đó là nhà trình tường đất, cổng và mái lợp ngói âm dương. Màu nâu vàng của tường đất và ngói âm dương tạo nên sự ấm áp vào mùa đông, thoáng mát trong mùa hè. Bao quanh ngôi nhà là hàng rào đá được những bàn tay khéo léo của đồng bào xếp lên mà không cần vữa hay xi măng, nhưng vẫn vững trãi và kiên cố. Điều tài tình là những hàng rào này chẳng cần một chất kết dính nào mà đá vẫn khít chặt. Để có những bức tường rào ấy, gia chủ cùng người thân phải mất hàng tháng trời mang các viên đá ở quanh nhà về xếp thành.

Mê mẩn kiến trúc nhà cổ có một không hai của người dân tộc Mông cao nguyên đá
Kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông trên cao nguyên đá

Nhờ lối kiến trúc độc đáo ấy mà những ngôi nhà của người Mông luôn mát dịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đây cũng chính là lối kiến trúc đặc trưng của miền cao nguyên đá, tạo nên điểm nhấn hút khách du lịch.

Điều ấn tượng nhất đối với những hàng rào đá này chính là những cây đào, cây mận, cây mơ. Khi mùa xuân đến, nét đẹp nguyên sơn, thơ mộng bỗng được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của ngôi nhà trình tường, tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa vùng cao nguyên đá.

Theo tập tục, người Mông trên cao nguyên đá thường làm nhà trình tường với ba gian, bố trí theo thói quen sinh hoạt. Gian bên trái đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa rộng rãi nhất dùng đặt bàn thờ tổ tiên và cũng là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình. Phía trên, người Mông có thói quen làm sàn gác để cất giữ lương thực, thực phẩm để tránh bị ẩm mốc. Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái để xay ngô, giã gạo…

Ngôi nhà có 1 cửa chính, cửa phụ và 3-4 ô cửa nhỏ làm bằng thân trúc, mai già để lấy ánh sáng và thoáng khí. Trước cửa chính luôn treo một tấm vải đỏ để trừ tà. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài.

Mê mẩn kiến trúc nhà cổ có một không hai của người dân tộc Mông cao nguyên đá
Xuân về dưới những nếp nhà người H’Mông

Người Mông phải thực hiện lễ bái thổ địa để đảm bảo may mắn trong chăn nuôi và trồng trọt. Quá trình xây dựng nhà cũng liên quan đến bài lễ, như việc đặt 9 hạt gạo xuống hố đào, biểu tượng cho sự sinh sôi và nảy nở. Những hạt gạo này được đặt cẩn thận để tránh sự can thiệp của côn trùng. Cả quá trình làm nhà và bài lễ bái thổ địa đều kết hợp với nhau nhằm đảm bảo sự thịnh vượng cho gia đình.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế và giao thoa văn hóa, người H’Mông đã tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Mặc dù có sự ảnh hưởng của vật liệu hiện đại như xi măng và gạch bê tông, nhưng lối kiến trúc truyền thống vẫn được giữ nguyên.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, người H’Mông trên cao nguyên đá đã không ngừng sáng tạo, cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên lưu giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc mình.

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button