Mảng chăn nuôi heo của HAG: Kỳ vọng từ Lê Me

Mặc dù mảng chăn nuôi heo chưa mang lại doanh thu như kỳ vọng cho HAG, nhưng với việc Lê Me trở thành công ty con, cùng với giá heo hơi đang tăng trở lại sẽ góp phần vào tăng trưởng của HAG.

Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5/2023. Theo đó, HAG đã bán được 26.062 con heo và 16.058 tấn chuối, trong đó chuối xuất khẩu đạt 14.698 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 1.360 tấn.

Mảng chăn nuôi heo của HAG: Kỳ vọng từ Lê Me

Doanh thu ngành cây ăn trái vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của HAG.

Công ty ghi nhận doanh thu 626 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 11,2% so với doanh thu tháng 4. Trong đó, doanh thu ngành chăn nuôi là 136 tỷ đồng, doanh thu ngành cây ăn trái là 246 tỷ đồng; và doanh thu ngành phụ trợ là 244 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tháng 5/2023 đạt 82 tỷ đồng, tăng 156,3% so với tháng trước.

Doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh giá heo hơi trong nước đã tăng nhẹ so với tháng 4 nhưng chỉ dao động quanh vùng giá thấp nên kết quả kinh doanh tháng 5 của Công ty tiếp tục chủ yếu đến từ doanh thu kinh doanh chuối, vì vậy kết quả kinh doanh tháng 5/2023 chưa khả quan.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2023, HAG ghi nhận doanh thu đạt gần 2.886 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 417 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 56% và 37% so với kế hoạch năm.

Ở một diễn biến khác, mới đây, HAG cũng đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc Công ty CP Lê Me trở thành công ty con của HAG. Theo đó, HAG thông qua kết quả rà soát số liệu căn cứ trên báo cáo tài chính của Công ty và Lê Me, thống nhất phương án chuyển đổi số dư nợ cho vay và lãi phải thu của Lê Me thành vốn góp cổ phần.

Như vậy, sau khi Lê Me phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, tỷ lệ sở hữu của HAG tại Lê Me sẽ là 87,74% vốn điều lệ và Lê Me chính thức trở thành công ty con của HAG.

Tại báo cáo tài chính năm 2022 của HAG ghi nhận khoản 440 tỷ đồng phải thu dài hạn liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Lê Me. Trong đó, khoản phải thu thể hiện phần vốn góp kinh doanh cho Lê Me ký ngày 8/9/2020 về việc hợp tác đầu tư vào dự án trồng cây ăn quả của Lê Me trong 4 năm, hợp đồng không yêu cầu lập pháp nhân mới, lợi nhuận sẽ được phân chia dựa trên kết quả kinh doanh của dự án, bắt đầu từ khi dự án phát sinh doanh thu. Tại thời điểm cuối năm 2022, dự án trên vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ bản và chưa phát sinh doanh thu.

Mảng chăn nuôi heo của HAG: Kỳ vọng từ Lê Me

Mảng chăn nuôi heo kỳ vọng vào doanh thu từ Lê Me, khi doanh nghiệp này trở thành công ty con của HAG.

Hồi cuối năm 2021, Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ với cổ động rằng, Công ty Lê Me đang nắm giữ 5.000 ha đất tại Campuchia, trong đó, 3.000 ha đã làm thủ tục và 2.000 ha đang trong quá trình làm thủ tục. Công ty cũng đang có kế hoạch xin thêm 5.000 ha đất, nâng tổng quỹ đất tại Campuchia của doanh nghiệp này lên 10.000 ha.

Tại buổi thực địa trang trại nuôi heo của Lê Me tại Campuchia hồi cuối năm ngoái, lãnh đạo HAG kỳ vọng sau khi sáp nhập, Lê Me sẽ mang về doanh thu và lợi nhuận cho HAG, khi giá heo tại thị trường Campuchia có giá cao hơn tại Việt Nam và dư địa còn rất tiềm năng.

Theo Chứng khoán VNDirect, giá heo hơi đã tăng 10,9% trong tháng 5/2023 và chạm mức cao nhất kể từ đầu năm nhờ vào sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm; và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 giảm 50% so với năm 2021.

Theo ước tính của VNDirect, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất thịt cũng tăng đáng kể từ ngày 11/4 theo đà tăng của giá heo hơi, mức tăng trung bình lên đến 17%. Trong đó, HAG có cải thiện và vừa vượt mốc 8.000 đồng/cổ phiếu.

VNDirect nhận định, giá heo hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý II/2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6%/4% so với quý trước trong quý III-IV/2023 lên mức 62.000-65.000 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý III/2023.

Mặt khác, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam (USD/tấn). Giá lúa mì, đậu tương và ngô (nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) toàn cầu đã giảm 49,8%/19,7%/28,6% so với cùng kỳ. Tại thị trường trong nước giá nhập khẩu lúa mì, đậu tương và ngô giảm 5,2%/10%/5,4% so với cùng kỳ theo giá thế giới.

VNDirect kỳ vọng, giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% trong 2023 dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nguy cơ giá nông sản toàn cầu có thể tăng trở lại do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu chính. Do đó, Công ty chứng khoán này kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện 1,0-1,5 điểm % trong năm 2023.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button