Lý do nhiều người Nhật không bao giờ du lịch nước ngoài
Theo một cuộc khảo sát, một số lượng lớn người Nhật nói rằng du lịch không còn là ưu tiên hàng đầu của họ trong năm nay.
Quận Shinjuku của Tokyo về đêm. Ảnh: CNN. |
Cuộc khảo sát trên 16.000 người trưởng thành ở 15 quốc gia – do công ty phân tích toàn cầu Morning Consult thực hiện năm ngoái – cho thấy 35% người Nhật được hỏi cho biết họ không muốn đi du lịch nữa.
Khoảng 15% người Hàn Quốc và 14% người Trung Quốc cho biết họ sẽ không bao giờ đi du lịch nữa. 14% người Mỹ và 11% người Mexico cũng có cùng quan điểm như trên.
Đáng chú ý, cuộc khảo sát cũng tiết lộ chỉ có khoảng 45% người Nhật nói rằng họ có ý định đi du lịch trong năm nay, so với 65% ở Trung Quốc và 66% ở Hàn Quốc.
Tetsu Nakamura, giáo sư tại ĐH Tamagawa (Tokyo, Nhật Bản) và là chuyên gia tâm lý học và hành vi du lịch, cho CNN biết kết quả trên “không có gì đáng ngạc nhiên”.
“Năm 2019, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, những người Nhật Bản đã đi du lịch nước ngoài rất ít”, ông Nakamura nói hôm 19/2.
Hạnh phúc khi ở nhà
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù nước này có “hộ chiếu quyền lực nhất thế giới”, chưa đến 20% người Nhật đi đăng ký hộ chiếu. Đối với một số người “không bao giờ đi du lịch nước ngoài”, các chuyến đi nội địa ở Nhật Bản là đủ.
Thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho biết sau sự gia tăng nhanh chóng về du lịch quốc tế trong những năm 1970 và 1980, số lượng công dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài phần lớn đã chững lại kể từ giữa những năm 1990.
Hộ chiếu Nhật Bản. Ảnh: Japan Times. |
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2017, chỉ có khoảng 18 triệu người Nhật đi du lịch nước ngoài, bất chấp sự tăng trưởng đáng kinh ngạc đối với du lịch quốc tế trên toàn thế giới.
Một số chuyên gia cho rằng rào cản ngôn ngữ và thiếu các kỳ nghỉ liên tục là một số lý do khiến du lịch trong nước được ưa chuộng hơn tại Nhật Bản. Sự đa dạng của thiên nhiên, lịch sử cũng như văn hóa Nhật Bản cũng là yếu tố khiến người dân nước này ngại ra nước ngoài.
“Nhiều người Nhật cảm thấy du lịch nước ngoài tốn thời gian. Họ cho rằng điều này tốn nhiều thời gian, kỹ năng và kế hoạch”, chuyên gia Nakamura nói.
Hiroo Ishida, 25 tuổi, đến từ tỉnh Chiba – người đam mê môtô phân khối lớn – cho biết “việc đi du lịch nước ngoài” không phù hợp với anh.
“Tôi có chút mong muốn được đến Mỹ, chủ yếu là vì nơi đó dành cho những người yêu thích môtô phân khối lớn. Nhưng tôi rất có thể sẽ không đi vì chỉ lên kế hoạch thôi cũng thấy bất tiện”, Ishida nói và chia sẻ rằng Nhật Bản cũng có rất nhiều điểm đến dành cho người đam mê môtô.
“Chuyến đi nước ngoài cuối cùng của tôi là một chuyến đi thực tế đến đảo Guam (lãnh thổ hải ngoại của Mỹ) khi còn trên ghế nhà trường. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thôi thúc ra nước ngoài kể từ đó”, Ishida nói thêm.
Kotaro Toriumi, một nhà phân tích du lịch và hàng không Nhật Bản, nhận định rằng định kiến về các thủ tục du lịch nước ngoài phức tạp trong thời kỳ đại dịch cùng mối lo lây nhiễm đã cản trở người Nhật tìm kiếm các chuyến du lịch nước ngoài.
“Đại dịch đã thay đổi tư duy du lịch của người Nhật. Những người từng đi du lịch giờ sợ ra nước ngoài đế tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Tôi nghĩ rằng họ đang ngày càng nhận ra có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở Nhật Bản và mọi người có thể vui chơi mà không cần ra nước ngoài”, Toriumi nói.
Chi phí đi lại đắt đỏ
Việc đồng yen Nhật xuống mức thấp nhất trong 33 năm cùng nhiều công nhân Nhật Bản đã không được tăng lương trong 30 năm là yếu tố tác động mạnh mẽ, khiến nhiều người khó đủ khả năng du lịch nước ngoài.
Những người trẻ tuổi tại Nhật lại có xu hướng ở nhà hoặc khám phá các địa điểm trong nước thay vì đi ra nước ngoài.
“So với thế hệ cũ, giới trẻ ít ra nước ngoài hơn vì họ không có nhiều tiền. Nhiều người trẻ thấy giải trí trực tuyến hoặc chơi game trên điện thoại thông minh thú vị hơn là đi du lịch nước ngoài”, chuyên gia Toriumi giải thích.
Nhờ các phiếu giảm giá du lịch và các ưu đãi khác sau đại dịch, nhiều người Nhật Bản đang chọn khám phá các điểm đến địa phương như Chùa Kiyomizu-dera ở Kyoto. Ảnh: CNN. |
Aki Fukuyama, 87 tuổi, giám đốc tài chính nghỉ hưu của một tập đoàn khách sạn, cho biết ông đã có nhiều chuyến đi chơi golf ở nước ngoài. Fukuyama mong muốn được đi tiếp nhưng sức khỏe và tuổi tác là những lý do chính khiến ông không có khả năng thực hiện một chuyến đi quốc tế.
“Tôi thường xuyên đi nước ngoài khoảng 15-20 năm trước. Bây giờ, tôi chỉ dự định du lịch trong nước, có thể ở đâu đó gần đây, nếu ai đó mời tôi”, Fukuyama nói.
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số lượng du khách Nhật Bản ra nước ngoài đã giảm 86,2% vào năm 2022. “Những người trước đây chỉ đi du lịch vì giá rẻ giờ không muốn đi du lịch nữa”, Toriumi nhận định.
Động lực du lịch nước ngoài
Các nghiên cứu của giáo sư tại ĐH Tamagawa, ông Tetsu Nakamura, cho thấy những “người đam mê du lịch nước ngoài” sẽ có một thái độ tích cực bất chấp sự cản trở của áp lực xã hội.
“Những người luôn có quan điểm tích cực về du lịch nước ngoài sẽ cố gắng thực hiện ngay khi có cơ hội. Điều này đúng cho cả trước và sau đại dịch”, Nakamura nói.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
Yuma Kase chụp hình trong một chuyến viếng thăm Paris (Pháp). Ảnh: CNN. |
Yuma Kase, 25 tuổi, nhân viên tài chính ở Tokyo, chia sẻ rằng cô rất thích đến thăm các quốc gia mới và giao lưu với những người có xuất thân khác nhau.
“Đến một đất nước xa lạ là cuộc hành trình đầy phấn khích mà tôi luôn hướng đến. Trong khi đó, mẹ tôi không thích đi du lịch và chỉ tuân theo một thói quen cố định hàng ngày. Điểm xa nhất mà mẹ tôi đã đến vào năm 2022 là một trung tâm mua sắm”, Kase nói.