Lý do Intel vẫn muốn “níu kéo” thị trường Trung Quốc

Intel vẫn thấy cơ hội từ thị trường chip Trung Quốc bất chấp căng thẳng với Mỹ, nhưng các quy định xuất khẩu chip quá nghiêm ngặt từ Mỹ có nguy cơ “đập tan” mong muốn này.

Lý do Intel vẫn muốn
Intel vẫn coi thị trường Trung Quốc là một cơ hội kinh doanh lớn, bất chấp căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung ngày càng tăng
Intel vẫn lạc quan về thị trường Trung Quốc

Intel muốn cung cấp càng nhiều chip càng tốt cho Trung Quốc, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo tại Triển lãm thương mại công nghệ Computerx ở Đài Loan đầu tuần này.

“Chúng tôi đang tiếp tục theo đuổi việc xuất khẩu tất cả các sản phẩm của mình sang Trung Quốc và cung cấp các sản phẩm như chip Gaudi”, Gelsinger cho biết.

Dòng chip Gaudi là đơn vị xử lý đồ họa (GPU) của Intel được sử dụng cho điện toán trí tuệ nhân tạo. Chip Gaudi 3 mới nhất cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Intel trong thị trường AI vốn thống trị bởi GPU của Nvidia. Được xây dựng trên quy trình 5nm, con chip này có thể cung cấp mức tiêu thụ điện năng thấp hơn so với H100 của Nvidia, vốn sử dụng quy trình 4nm.

Washington vẫn đang tiếp tục dần thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các lô hàng chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia và kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Các biện pháp kiểm soát không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của Intel mà còn cả các đối thủ như AMD và Nvidia.

Gelsinger cho biết việc Intel dẫn đầu về công nghệ so với các đối thủ Trung Quốc – vốn không có khả năng tiếp cận công cụ tiên tiến nhất – có thể mang lại cho nhà sản xuất chip Mỹ lợi thế cạnh tranh trên thị trường này.

Ông cho biết, kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) không có sẵn ở Trung Quốc. Do đó, khi tiếp tục tiến tới mức dưới 2 nanomet hoặc hơn thế nữa, các sản phẩm của Intel sẽ có sức hấp dẫn tại thị trường Trung Quốc. Và nhờ đó, Intel sẽ tiếp tục có cơ hội thị trường tốt.

Khó thành hiện thực

Tuy nhiên, ông Gelsinger nói thêm rằng nếu Mỹ kiểm soát quá chặt lĩnh vực chip của Trung Quốc thì động thái này có nguy cơ phản tác dụng. Ông nói: “Nếu ranh giới đó quá hạn chế, thì Trung Quốc phải tự sản xuất chip của riêng mình”.

Lý do Intel vẫn muốn
Những sức ép của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc có thể cản trở những kỳ vọng của Intel

Hiện nay, Mỹ vẫn cho phép Trung Quốc được nhập khẩu những con chip ít tiên tiến hơn của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức thương mại Mỹ cho biết họ sẽ ngăn chặn những chiến lược như vậy trong tương lai.

Đặc biệt, những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trong khả năng sản xuất chip nội địa của Trung Quốc càng tiếp thêm động lực cho Mỹ làm điều đó.

Gần đây, Huawei cho biết hiệu suất chip Ascend của họ có thể sánh ngang với các sản phẩm của Nvidia. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc năm ngoái cũng đã trình làng điện thoại thông minh Mate 60 Pro sử dụng chip 7 nanomet do hãng tự phát triển.

Hoa Kỳ đã thu hồi giấy phép xuất khẩu mà họ đã cấp cho Intel và Qualcomm để cung cấp cho Huawei sau khi Huawei tiết lộ một chiếc máy tính xách tay sử dụng chip PC tiên tiến nhất của Intel.

Bởi vậy, mong muốn của Intel trong việc níu kéo thị trường Trung Quốc có vẻ xa vời. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông lớn công nghệ Mỹ phải tìm kiếm những thị trường khác để bù đắp, trong đó Đông Nam Á có vẻ là một lựa chọn.

Intel đang đa dạng hóa sản xuất và mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, như một phần của sự thay đổi chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Tại Việt Nam, tập đoàn này đã đầu tư 1,5 tỷ USD từ năm 2006 và biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm đóng gói và kiểm định sản phẩm hàng đầu của Intel trên toàn cầu. Hay gần đây, Intel cũng công bố khoản đầu tư 7,1 tỷ USD để xây dựng một cơ sở đóng gói chip mới ở Malaysia – một phần trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lực của công ty tại Đông Nam Á.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button