Lượng vàng miếng trúng thầu tăng mạnh, sắp thanh tra thị trường vàng
Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 7 của Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 16/5 có 12 tổ chức trúng thầu, với 12.300 lượng vàng miếng SJC được đưa ra thị trường.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức giá tham chiếu là 87,5 triệu đồng/lượng. Khối lượng vàng miếng của mỗi lô giao dịch là 100 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%.
Vàng miếng trúng thầu tăng mạnhỞ lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên khối lượng đặt thầu tối thiểu là 5 lô (tương đương 500 lượng vàng), khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên vẫn là 4.000 lượng.
Kết quả, 12 tổ chức trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu 12.300 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất 88.920.000 đồng/ lượng. Giá trúng thầu thấp nhất 88.890.000 đồng/ lượng.
Như vậy đây là phiên đấu thầu có khối lượng trúng thầu cao nhất trong số các phiên đấu thầu mà NHNN tổ chức và có kết quả vừa qua.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, mở cửa trước phiên đấu thầu, vàng miếng SJC trên thị trường niêm yết tăng chiều bán ra thêm 200 nghìn/ lượng lên 90,4 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó giá vàng đã đảo chiều và hiện tại giá vàng mất 400.000 đồng, và lùi về mốc 90 triệu đồng/lượng. Hiện giá mua – bán của SJC giao dịch tại 87,50 – 90,00 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với giá đóng cửa hôm qua.
Giá vàng miếng SJC được DOJI Hà Nội, DOJI Hồ Chí Minh, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu không chênh lệch nhau, giao dịch mua bán trong khoảng 87,70 – 89,60 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tăng nhẹ hiện đang giao dịch tại 2.390 USD/ounce, khác với dự báo trước đó của giới đầu tư về khả năng vàng sẽ sớm phá mốc 2.400 USD/ounce khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 4 – thước đo dữ liệu lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và dữ liệu thất nghiệp.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng tư của Mỹ tăng 3,4% đúng như kỳ vọng và giảm nhẹ so với mức 3,5% của tháng 3.
Các số liệu hàng tháng và hàng năm về CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, đều đúng như dự đoán.
Dữ liệu lạm phát dịu xuống, khiến thị trường đặt kỳ vọng tích cực hơn về khả năng Fed sẽ đẩy sớm tiến trình cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đây được cho là yếu tố sẽ tác động đến giá vàng tuy nhiên dòng tiền đã được giới đầu đẩy vào mọi kênh, hưởng ứng tin tích cực với các chỉ số chứng khoán Mỹ và cả nhóm tài sản tiền số chủ chốt tăng đồng loạt, trong khi chỉ số USD-Index đi xuống.
Việc giá vàng quốc tế neo ở mức cao và giá vàng trong nước, bao gồm giá giao dịch của thị trường lẫn giá NHNN tổ chức đấu thầu và các tổ chức trúng thầu, cũng neo ở mức cao, “bắn” tín hiệu rõ ràng về khả năng vẫn còn biến động khó lường của thị trường vàng.
Song song đó, một chuyên gia cho rằng việc NHNN liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu với sự cải thiện lô tối thiểu đặt thầu về mức thấp hơn, nâng mức khối lượng lô đặt thầu tối đa, cho thấy khả năng cơ quan quản lý thị trường đang tập trung khuyến khích cung vàng ra thị trường; một mặt khác cũng hàm nghĩa cơ quan này sẽ tiếp tục có các động thái để thông qua kênh đấu thầu tập trung, thực hiện “bình ổn” thị trường dù ở vùng giá cao thay cho hướng đến việc để các tổ chức tư nhân tự nhập khẩu vàng.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo Thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Công bố quyết định thanh tra thị trường vàng
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao, bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn, đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17 tháng 5 năm 2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, chính thống về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và hoạt động của thị trường vàng để ổn định tâm lý người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo quy định, tham vấn ý kiến các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đánh giá tác động và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng và bảo đảm các mục tiêu phát triển thị trường vàng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường… tăng cường thực hiện ngay các biện pháp kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bình ổn thị trường vàng, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng và pháp luật có liên quan, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn