Luật Công nghiệp công nghệ số: Lấp “vùng xám” pháp lý cho tài sản mã hóa
Sự ra đời của Luật Công nghiệp công nghệ số được đánh giá là cột mốc quan trọng, tạo hành lang pháp lý cần thiết để thị trường tài sản số phát triển minh bạch và bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, qua đó kịp thời thể chế hóa được nhiều nội dung quan trọng trong các Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Một trong những điểm đột phá của Luật là quy định về tài sản mã hóa, đây là loại tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số khác để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao. Dấu mốc này đã chấm dứt tình trạng nhiều năm “mơ hồ” về mặt pháp lý và ước tính khoảng 17 triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ tài sản mã hóa sẽ được công nhận và bảo vệ chính thức theo pháp luật.

Dưới góc nhìn của TS Jeff Nijsse, Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi lần đầu tiên đưa tài sản mã hóa thoát khỏi “vùng xám” pháp lý tồn tại suốt nhiều năm. Theo đó, một trong những điểm nổi bật nhất của đạo luật này là việc đưa ra định nghĩa pháp lý rõ ràng cho “tài sản số” và phân loại thành hai nhóm “tài sản ảo” và “tài sản mã hóa”.
Cụ thể, “tài sản mã hóa” là hạng mục bao trùm cho tiền mã hóa, với chức năng tài chính rõ ràng và hoạt động trên chuỗi khối (blockchain) riêng. Những tài sản này được định nghĩa là sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và chuyển giao. Với cách định nghĩa này, những đồng tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) hoàn toàn phù hợp, và do đó, chính thức được công nhận là tài sản hợp pháp. Điều này tạo ra sự an tâm rất lớn cho hàng triệu nhà đầu tư Việt Nam, bởi các loại tài sản kỹ thuật số mà họ đang nắm giữ không còn phải nằm trong vùng xám về mặt pháp lý.
Trong khi đó, “tài sản ảo” có thể được hiểu là bao gồm các tài sản kỹ thuật số như điểm thưởng hoặc vật phẩm ảo trong game, vốn không thực sự có chức năng tài chính. Việc phân loại rạch ròi giữa hai nhóm tài sản này là cơ sở để xây dựng các quy định quản lý phù hợp, tránh đánh đồng và giảm thiểu rủi ro khi triển khai thực tiễn.
TS Jeff Nijsse nhận định, luật mới sẽ mở đường cho việc chính thức hóa thị trường blockchain đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, với quy mô ước tính lên tới 105 tỷ USD. Việc đưa khu vực kinh tế phi chính thức này vào phạm vi điều chỉnh của luật pháp không chỉ góp phần minh bạch hóa hoạt động giao dịch, mà còn giúp Nhà nước kiểm soát dòng tiền, thu thuế và ngăn chặn tình trạng “tháo chạy vốn” hiện xảy ra thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, việc công nhận tài sản số là bước đi mang tính nền tảng trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường công nghệ số tại Việt Nam. Theo ông, muốn phát triển lành mạnh, điều tiên quyết là phải có khung pháp lý rõ ràng. Trước đây, lĩnh vực này vẫn là vùng xám của Việt Nam.
“Từ một thị trường phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, tài sản số tại Việt Nam giờ đây đã được đặt dưới khuôn khổ luật pháp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tài sản số cao nhất thế giới”, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, sau khi tài sản số được luật hóa, việc tiếp theo cần làm là phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh để hỗ trợ thị trường này đi đúng hướng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thành lập các sàn giao dịch nội địa hoặc cấp phép cho các sàn quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm đảm bảo hoạt động giao dịch minh bạch, đúng quy định và có sự giám sát chặt chẽ. Đây cũng sẽ là nền móng để ứng dụng sâu rộng các công nghệ tiên tiến như blockchain, token hóa tài sản, hay các sản phẩm số mang tính sáng tạo cao như NFT.
Yến Nhung – Diễn đàn Doanh nghiệp