Loay hoay chuyện xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
Theo chuyên gia, việc xuất hóa đơn điện tử với bán lẻ xăng dầu còn có những khó khăn nhất định. Vì vậy cần có lộ trình và cả sự hỗ trợ về vốn tín dụng cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
Theo thống kê sơ bộ tại Hội nghị “Phổ biến hướng dẫn thực hiện quy định Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xuất hóa đơn từng lần bán hàng đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu”, đến thời điểm 30/11/2023, có hơn 240 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thuộc Cục Thuế TP. Hà Nội quản lý, với hơn 450 cửa hàng và gần 2.000 cột bơm. Tuy nhiên, mới có gần 150 cửa hàng áp dụng được thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phản ánh nhiều vướng mắc khi thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, bất cập nhất là do tốn kém chi phí đầu tư cho hệ thống xuất hóa đơn điện tử mỗi trụ bơm, chi phí xuất hoá đơn mỗi lần người dân mua hàng.
Trong khi đó, mức chiết khấu cho mỗi lít xăng quá thấp, nhiều thời điểm chỉ 100 – 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng. Do đó, nếu bắt buộc áp hóa đơn điện tử đối với tất cả khách mua hàng thì doanh nghiệp nhỏ lẻ lỗ nặng, buộc phải đóng cửa.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng bày tỏ thái độ thờ ơ với việc này, đặc biệt là những người sử dụng xe gắn máy. Họ cho rằng mỗi lần đổ xăng quá ít, cây xăng luôn tấp nập nên thường chỉ tập trung đổ xăng nhanh rồi đi ngay để tránh ách tắc.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính phân tích, việc bán xăng dầu trở thành một vấn đề công khai, nhất là trong điều kiện Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý thị trường này. Việc chúng ta quyết định trích lập các quỹ bình ổn hoặc xả quỹ bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi phải có độ chính xác của số lượng nhập về, bán ra và số lượng tồn dư, từ đó có sự xem xét công bằng, bình đẳng với tất cả các chủ thể trên thị trường. Đây cũng là việc góp phần vào số hóa từng bộ phận trong nền kinh tế.
Đối với việc xuất hóa đơn điện tử cho mỗi khách hàng khi mua xăng dầu và kết nối trực tiếp tới cơ quan thuế đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, Internet tốt hơn, cũng như trình độ của người xử lý số liệu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải cao hơn.
“Trước mắt, có thể việc xuất hóa đơn điện tử còn có những khó khăn nhất định do chưa kịp thay đổi, nhưng đây là việc cần làm và phải làm. Hoạt động này không quá phức tạp vì thực tế hiện nay ở mỗi cây xăng đều có các máy đo đếm, tính tiền từ số lượng xăng bán ra. Vấn đề quan trọng chỉ là thêm vào đó một bộ phận để xuất hóa đơn, tuy nhiên cơ quan thuế cũng như Bộ Tài chính cần có khoảng thời gian nhất định, từ 3 – 6 tháng để các điểm bán lẻ xăng dầu có thể triển khai thực hiện tốt nhất”, vị PGS cho biết.
Tương tự, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận xét, đây là một hoạt động rất phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực,… mà còn mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng. Từ đó giảm bớt hiện tượng thiếu minh bạch và chưa tận thu được số thuế cần thiết trong kinh doanh xăng dầu.
“Để có thể vận dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp phải tổ chức lại các cột bơm của cây xăng; mỗi một cột bơm như vậy gắn với thiết bị đếm để thực hiện xuất hóa đơn điện tử. Vì vậy chi phí đối với các cây xăng, tùy theo từng cơ sở có thể có chi phí từ 320 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đó cũng là chi phí đầu tư, vận hành và doanh nghiệp phải tính vào giá xăng bán ra cho người tiêu dùng. Qua ước tính sơ bộ, giá mỗi một lít xăng có thể sẽ tăng thêm khoảng 30 đồng hoặc cao hơn.
Chi phí bao nhiêu là cần thiết và hợp lý thì cần có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh tình trạng tính giá quá cao cho người tiêu dùng, dẫn đến nâng giá chi phí vận tải hay giá thành của các sản phẩm sản xuất trên thị trường”, ông Doanh nói.
Theo TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ, để chủ trương này đi vào đời sống, chúng ta nên có lộ trình hướng dẫn đối với người dân trên mọi phương tiện thông tin. Với các đô thị quá trình này dễ dàng hơn, nhưng với những nơi vùng sâu vùng xa, miền núi thì cần có sự kiên trì, cụ thể.
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng phải xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán, thì đến nay trên lộ trình đó chúng ta còn đang chậm. Vì vậy, cần một khoản vốn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi, đồng thời giải thích và khuyến khích người dân và các doanh nghiệp chấp nhận khoản chi phí gia tăng này. Tuy không phải quá lớn, nhưng đối với những doanh nghiệp giao thông vận tải cũng là một khoản phí sẽ được tính vào giá thành.