Liên kết vùng mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Liên kết vùng mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp trên cơ sở tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như giải quyết những vấn đề thách thức chung.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ liên kết vùng

Thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng tạo động lực phát triển các địa phương. Chủ trương này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và xem đây như giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tối ưu chi phí từ mạng lưới hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ.

Liên kết vùng mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Các tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối vùng giúp doanh nghiệp kết nối và tối ưu hoá chi phí sản xuất, logistic

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết: trong liên kết vùng, các doanh nghiệp có thể liên kết theo ngành kinh tế, tức là các doanh nghiệp hoạt động cùng một lĩnh vực ở các địa phương trong vùng có thể liên kết với nhau để xây dựng chuỗi sản xuất. Với tập đoàn ThaiBinh Seed, có thể liên kết vùng nguyên liệu với các địa phương lân cận để phát huy tối đa hiệu quả sản xuất của nhà máy chế biến gạo. Liên kết ngành kinh tế là giải pháp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư về hạ tầng, chi phí logistic…

Bên cạnh liên kết ngành kinh tế, doanh nghiệp có thể hưởng lợi về chi phí logistic khi các tuyến cao tốc kết nối các địa phương trong vùng hoàn thiện đồng bộ, rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển từ các khu công nghiệp đến kho bãi, cảng biển…

Ở cấp độ vĩ mô, theo phân tích của bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, liên kết phát triển vùng góp phần giải quyết những vấn đề thách thức chung của tăng trưởng xanh mà các địa phương đang phải đối mặt như môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên…

Vì vậy, liên kết vùng thành công mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp trên cơ sở tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Đó là các vùng sản xuất quy mô lớn, các khu công nghiệp lớn để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực cũng như tạo lực đẩy cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Tư duy liên kết mới

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đề cập đến nội dung quan trọng này. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, ở nhiều vùng của nước ta các địa phương chưa liên kết tốt, chưa hình thành được cơ quan hành chính cấp vùng. 63 tỉnh/thành hiện được ví như 63 nền kinh tế, cái gì cũng có, tình trạng cục bộ cản trở liên kết. Nhiều lãnh đạo địa phương chỉ muốn liên kết với các trung tâm kinh tế lớn chứ không muốn liên kết với tỉnh nhỏ, khó khăn. Hệ quả của tình trạng cục bộ là cạnh tranh xuống đáy giữa các tỉnh, nền kinh tế không giải quyết được các vấn đề chung.

Liên kết vùng mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023

Đây là vấn đề chung của nhiều vùng trong cả nước. Đề cập đến khu vực miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế phát triển bền vững nhưng theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương để tìm ra cơ chế, giải pháp liên kết các địa phương theo xu hướng phát triển chung của thế giới là kinh tế xanh, công nghệ số là vấn đề không đơn giản.

“Mọi giải pháp từ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh đều cần hướng tới các trọng tâm phát triển. Đó là gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; định hướng phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy xã hội, môi trường. Đồng thời gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu” – ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để phát triển vùng, trước hết, theo ông Nguyễn Hồng Sơn cần có sự thống nhất về nhận thức giữa các lãnh đạo địa phương: “Trong anh có tôi, trong tôi có anh, chúng ta là một thể thống nhất…”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sâu, thảo luận nhiều vào nội dung xây dựng thể chế và cơ chế điều phối, phát triển vùng. Thể chế, cơ chế này cần đảm bảo: thể chế có đủ “quyền lực và nguồn lực”; cơ chế điều phối đối với các tiểu vùng trong tổng thể điều tiết vùng; cơ chế phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho vùng, nhất là đối với các dự án lớn, mang tính vùng. Đi kèm với đó là sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button