‘Lâu đài nổi’ 500 năm tuổi của vua thời Trung cổ

Con tàu đắm 500 năm tuổi mệnh danh là “lâu đài nổi” của vua Đan Mạch đã được phát hiện chứa một lượng lớn nguyên liệu thực vật được bảo quản cực tốt.

‘Lâu đài nổi’ 500 năm tuổi của vua thời Trung cổ
Ảnh minh họa một tàu chiến thời Trung cổ. Ảnh: Newsweek.

Các cuộc khai quật khảo cổ học hàng hải được tiến hành tại xác con tàu Gribshunden dài 35 m – từng là soái hạm của Vua Hans của Đan Mạch (còn được gọi là Vua John trong tiếng Anh) – đã tiết lộ một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc từ các nơi xa xôi trên thế giới, nhiều thứ xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu vào thời điểm đó. Các nhà nghiên cứu đã mô tả đây là một khám phá “chưa từng có tiền lệ”.

Những phát hiện, được ghi lại trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE, đã cung cấp một góc nhìn độc đáo về cuộc sống của giới quý tộc Bắc Âu vào cuối thời Trung cổ. Đây có thể được coi là nguồn gốc của sự “toàn cầu hóa” ngày nay.

Tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Brendan Foley từ Khoa Khảo cổ học và Lịch sử cổ đại tại Đại học Lund, Thụy Điển, cho biết “đây chắc chắn là một trong những khám phá tuyệt vời nhất trong bất kỳ bối cảnh khảo cổ học nào dù trên đất liền hay trên biển”.

“Lâu đài nổi” của Vua Hans

Tàu chiến Hoàng gia Đan Mạch Gribshunden được đóng vào năm 1485 và về cơ bản đóng vai trò là trụ sở chính phủ di động của Vua Hans.

“Vua Hans đã sử dụng chiếc tàu chiến chở pháo này để gắn kết vương quốc rộng lớn của mình lại với nhau. Đó đúng nghĩa là lâu đài nổi của ông ấy. Không chỉ là một tàu chiến, Gribshunden là một công cụ của sức mạnh kinh tế, một trung tâm văn hóa xã hội, đồng thời cũng là tâm điểm của các chức năng hành chính và chính trị của chính phủ thời bấy giờ”, Foley nói.

‘Lâu đài nổi’ 500 năm tuổi của vua thời Trung cổ
Bản đồ cho thấy vị trí của con tàu đắm Gribshunden ngoài khơi bờ biển phía đông nam Thụy Điển. Ảnh: Newsweek.

Kiểu dáng tàu Gribshunden là sự pha trộn giữa truyền thống Địa Trung Hải và Bắc Âu. Được hoàn thiện với 11 khẩu súng thần công bằng sắt và đủ chỗ cho 150 người, Gribshunden rất giống với những con tàu mà các nhà thám hiểm thế kỷ 15 như Vasco da Gama và Christopher Columbus đã tin dùng.

“Gribshunden là một ví dụ tốt về các công nghệ cho phép dẫn đến sự thống trị hành tinh của người châu Âu sau năm 1492”, chuyên gia Brendan Foley nhận định.

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ về công nghệ, con tàu đã gặp tai nạn vào năm 1495 và chìm xuống biển Baltic.

Gribshunden ra khơi vào tháng 6/1495 từ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch với Vua Hans trên tàu. Con tàu thả neo ngoài khơi đảo Stora Ekon phía đông nam của Thụy Điển ngày nay. Trên soái hạm Gribshunden, quốc vương và đoàn tùy tùng gồm các cận thần, nhà quý tộc và binh lính, đang đi đến một hội nghị thượng đỉnh chính trị ở Kalmar (Thụy Điển) để đàm phán với quan nhiếp chính Sten Sture the Elder.

Sture đã cai trị Thụy Điển một cách hiệu quả kể từ khi lãnh đạo một cuộc nổi dậy thành công chống lại các lực lượng do Đan Mạch hậu thuẫn vào năm 1471. Sture muốn nhà nước của mình tách khỏi Liên minh Kalmar – liên minh giữa 3 vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển dưới quyền cai trị của một quốc vương duy nhất từ năm 1397 tới năm 1523.

Vua Hans hy vọng rằng thông qua các cuộc đàm phán, ông có thể khôi phục liên minh dưới sự cai trị của Đan Mạch cũng như thuyết phục người Thụy Điển chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đan Mạch. Để phục vụ cho mục tiêu của mình, Vua Hans đã gây ấn tượng với phái đoàn Thụy Điển bằng con tàu Gribshunden, thể hiện sức mạnh và sự giàu có của vương quốc.

“Củng cố cho những yếu tố sức mạnh này là những biểu hiện của quyền lực mềm: tiền đúc, tác phẩm nghệ thuật, màu sơn lộng lẫy, chưa kể đến những món ăn ngon lạ miệng”, các tác giả nghiên cứu cho hay.

Nhưng trong khi nhà vua đang ở trên bờ, một vụ nổ đã xảy ra với con tàu. Gribshunden đã bị thiêu rụi và chìm xuống đáy biển, giết chết nhiều người.

Khám phá nguyên liệu kỳ lạ

Các thợ lặn thể thao phát hiện xác tàu Gribshunden vào thập niên 1970 nhưng mãi tới năm 2000, giới khảo cổ mới chú ý tới nó. Từ năm 2000 đến 2012, các nhà khảo cổ học biển đã phục hồi một số đồ tạo tác trong quá trình khai quật. Sau một vài năm gián đoạn, các cuộc khám phá tiếp tục diễn ra vào năm 2020 và 2021.

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là vào năm 2019 khi các nhà khảo cổ khai quật được xác cá tầm Đại Tây Dương gần như nguyên vẹn trong xác tàu đắm 500 năm tuổi của Đan Mạch.

‘Lâu đài nổi’ 500 năm tuổi của vua thời Trung cổ
Đinh hương được tìm thấy tàu Gribshunden. Ảnh: PLOS ONE.

Trong khám phá mới nhất, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lượng lớn nguyên liệu thực vật được bảo quản đặc biệt tốt, nhiều loại đến từ những nơi xa xôi trên thế giới.

Chúng đại diện cho 40 loài, bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, trái cây, rau, gia vị và thậm chí cả một loại cây dùng làm thuốc. Một số loại thực vật được sử dụng làm hương liệu như nghệ tây, đinh hương, gừng, hạt tiêu, mù tạt, caraway, thì là. Một số khác được dùng như đồ ăn nhẹ hoặc làm bánh gồm hạnh nhân, quả phỉ, quả mâm xôi, nho, hạt lanh. Theo nhóm nghiên cứu, nho có thể được tiêu thụ như nho khô.

“Việc tìm thấy cá tầm vào năm 2019 là một dấu hiệu cho thấy tàu Gribshunden đã mang theo những thực phẩm ưu tú”, tác giả của nghiên cứu – chuyên gia Brendan Foley – cho biết.

Loại cây không ăn được duy nhất mà các nhà khoa học xác định được là henbane (thiên tiên tử), được sử dụng cho mục đích y học vào thời điểm đó. Với liều lượng nhỏ, loại cây này – có đặc tính kích thích thần kinh – được sử dụng như một loại thuốc giảm đau nói chung.

Tuy nhiên, với liều lượng lớn hơn, nó được thêm vào như một thành phần trong thuốc mỡ của phù thủy, cũng như các loại thuốc được cho là có sức mạnh ma thuật, khơi gợi tình yêu. Với số lượng đủ lớn, henbane rất độc. Các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy một hạt henbane trên tàu.

‘Lâu đài nổi’ 500 năm tuổi của vua thời Trung cổ
Nghệ tây được thu thập từ địa điểm đắm tàu Gribshunden. Các nhà nghiên cứu cho biết, loại nguyên liệu này vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng dù đã trải qua 500 năm dưới đáy biển. Ảnh: PLOS ONE.

Foley cho biết việc phát hiện ra tất cả các loài thực vật kỳ lạ đã khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên, với nhiều loài trong số chúng chưa có tiền lệ khảo cổ học. “Đinh hương, nghệ tây, gừng chưa bao giờ được tìm thấy trong các cuộc khai quật ở các địa điểm thời Trung cổ ở Bắc Âu. Chúng tôi đã thu thập được hơn 400 ml nghệ tây. Đó là một số lượng khổng lồ và cực kỳ đắt đỏ”, ông Foley nói thêm.

Mikael Larsson, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết đây là phát hiện nghệ tây đầu tiên từ một địa điểm khảo cổ trên thế giới. “Đây là một phát hiện chưa từng có”, Larsson nói.

Nhà nghiên cứu Foley cho biết những khám phá về cây đinh hương cũng “không kém phần kinh ngạc”. “Nó chỉ phát triển ở một nơi duy nhất ở phía đông Indonesia. Điều này đặt ra một loạt câu hỏi về thương mại và chuỗi cung ứng từ Moluccas (một quần đảo ở phía đông Indonesia) đến biển Baltic”, Foley viết.

Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện mới nhất đã cung cấp một cái nhìn rõ ràng về thế giới của giới thượng lưu ở Bắc Âu thời Trung cổ.

“Chúng tôi thấy rằng Vua Hans và cộng đồng xã hội của ông ấy không chỉ tiêu thụ những món ngon đắt tiền mà còn sử dụng các loại nguyên liệu đặc biệt để chứng tỏ sự giàu có và các mối quan hệ toàn cầu của mình. Việc tiêu thụ số lượng lớn các món ngon nhập khẩu là một cách mà Hans có thể sử dụng ‘quyền lực mềm’ để thuyết phục người Thụy Điển chấp nhận sự cai trị của mình”, nghiên cứu cho biết.

Từ nguồn gốc của những loại nguyên liệu này, cũng có thể thấy được sự khởi đầu của thời kỳ toàn cầu hóa thực sự. Bắt đầu từ cuối những năm 1400, toàn bộ hành tinh trở nên kết nối khi con người đã tích cực trao đổi thương mại qua đường biển.

Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button