Lần đầu tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc

Nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức trên khắp cả nước, trong đó nổi bật là lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc, hội sách tại TP.HCM và hội sách trực tuyến.

Đã thành thông lệ, tháng tư hàng năm diễn ra nhiều hoạt động khuyến đọc, trở thành nét đẹp văn hóa trên cả nước. Sau 8 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam, để phát huy hơn nữa giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc, 21/4 được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Nhiều hoạt động quan trọng hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất được thông tin tại họp báo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra sáng 14/4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội).

Lần đầu tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc
Ban tổ chức thông tin về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất tại họp báo sáng 14/4. Ảnh: Xuân Lộc.

Thắp lửa tri thức

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – thông tin lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất và công bố quyết định của Thủ tướng về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra lúc 20h ngày 19/4 tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.

Cũng tại địa điểm trên, hội sách sẽ diễn ra từ ngày 19/4 đến 24/4. Sau hai năm vắng bóng vì Covid-19, hội sách trở lại với sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng nghìn đầu sách.

Hội sách được xây dựng thành ba không gian lớn: Không gian chuyển đổi số, không gian thành phố sách và không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Đáng chú ý, các buổi tọa đàm chuyên sâu về xu hướng xuất bản, phát hành sẽ được thực hiện.

Hai năm qua, Hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức như giải pháp tình thế trong điều kiện hạn chế tiếp xúc do Covid-19. Đến nay, các hoạt động trên thực địa đã trở lại, nhưng hội sách trực tuyến tiếp tục được tổ chức để lan tỏa văn hóa đọc trên môi trường số. Ông Nguyễn Nguyên nói Hội sách trực tuyến năm nay đổi mới với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút độc giả.

Với thông điệp “Thắp lửa tri thức”, Hội sách trực tuyến diễn ra trên sàn Book365.vn trong vòng một tháng, từ ngày 19/4 đến 20/5. 100 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước tham gia với khoảng 40.000 đầu sách được giới thiệu tới bạn đọc cả nước.

Ông Phan Anh Linh – Tổng giám đốc Công ty V&V, đơn vị vận hành sàn Book365.vn – thông tin năm nay, hội sách tiếp tục thực hiện các đợt trợ giá lớn với mục đích đưa sách đến bạn đọc, nhất là độc giả vùng sâu, vùng xa.

Trong khuôn khổ hội sách trực tuyến, nhiều hoạt động giao lưu với người nổi tiếng được thực hiện. Nhằm khuyến khích bạn đọc tìm kiếm tri thức từ sách, cuộc thi “Nhà thông thái” mong muốn tìm ra 100 bạn đọc tiêu biểu trên cả nước.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như phát động “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, cuộc thi thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách…

Lần đầu tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc
Hình ảnh tại lễ hội đường sách Tết Nhâm Dần trên đường Nguyễn Huệ. Đây sẽ là địa điểm diễn ra lễ công bố quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào giữa tháng 4 tới. Ảnh: Chí Hùng.

Tạo động lực để phát triển văn hóa đọc

Đại diện các bộ, ban, ngành, người làm công tác khuyến đọc đều cho rằng Ngày Sách và Văn hóa đọc có ý nghĩa lớn trong việc lan tỏa tri thức.

Ông Nguyễn Nguyên nói phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng với mỗi quốc gia. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, việc đọc sách đã tác động tới phát triển kinh tế, văn hóa. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao. Bởi vậy, Ngày Sách và Văn hóa đọc là cơ sở, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước.

Bà Đoàn Quỳnh Dung – Vụ phó Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho rằng việc có Ngày Sách và Văn hóa đọc sẽ gắn kết các thành tố tác giả – tác phẩm – người đọc. Điều đó giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng.

“Chuyển từ Ngày Sách sang Ngày Sách và Văn hóa đọc là động lực cho khuyến đọc, khơi nguồn cho các hoạt động nhằm thổi hồn vào sách”, bà Dung nói.

Bà cũng cho biết hệ thống thư viện đã thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy việc đọc sách. Thư viện hiện nay không chỉ là nơi giữ sách, mà chủ động đưa sách đến người đọc thông qua các mô hình: Luân chuyển sách, tặng sách, xe thư viện thông tin lưu động.

Đi đến vùng sâu, xa, người làm công tác thư viện nhận thấy nhiều em thiếu nhi “khát” sách. Bà Dung cho biết các thư viện đã đẩy mạnh kết nối, tạo dựng thói quen đọc sách, khai thác sử dụng thông tin.

Năm nay, Vụ thư viện có nhiều hoạt động khuyến đọc như tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; ngày hội Sách và Văn hóa đọc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam; phối hợp các tổ chức, trường học thực hiện các buổi giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách…

Với ông Phan Anh Linh, việc tổ chức hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc là hoạt động hướng đến cộng đồng.

“Chúng tôi hy vọng thông qua hội sách, chúng ta cùng nhau thắp lên ngọn lửa nhỏ, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tri thức chung của toàn xã hội”, ông Linh nói.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button