Kỳ vọng giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp trong năm mới
Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa, liên quan đến bố trí kinh phí cho phòng chống dịch bệnh và giãn, giảm, miễn thuế hỗ trợ doanh nghiệp.
Áp lực tài chính đè nặng
Những làn sóng liên tục của dịch COVID-19 đã tác động khiến nhiều doanh nghiệp và người dân kiệt quệ về kinh tế. Trong đó, nguy cơ đầu tiên của doanh nghiệp là khi thiếu hụt dòng tiền, sẽ gây ra mất thanh khoản. Trên thực tế, mất thanh khoản chính là mất đi khả năng thanh toán các khoản chi phí, trả lương cho người lao động, mất khả năng nộp thuế, hay trả nợ ngân hàng,… Từ đó, sự sụp đổ của doanh nghiệp sẽ đến rất nhanh.
Chia sẻ về các khó khăn, ông Lê Trường, Tổng giám đốc công ty Kiến trúc xây dựng TTA Partners bày tỏ, hai năm vừa qua, doanh nghiệp đã thực sự gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là tất cả các dự án trước đây ký hợp đồng đang thực hiện, thì các chủ đầu tư gần như dừng lại, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, nguồn việc, cũng như nguồn tài chính của doanh nghiệp. Trong khi quá trình giãn cách diễn ra, đội ngũ cán bộ nhân viên phải nghỉ ở nhà, mặc dù có làm việc online nhưng không đem lại hiệu quả nhiều.
Theo ông Trần Xuân Bách, phụ trách phân tích thị trường CTCK Bảo Việt phân tích, sự tác động của dịch bệnh rất rõ nét trong thời gian qua, khi nhiều doanh nghiệp phá sản, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chịu áp lực làm ăn thua lỗ lớn.
Chính vì vậy, sự kiện này đã tạo ra hệ lụy đối với nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, nếu thời gian tới, các doanh nghiệp không sớm ổn định trở lại và Chính phủ không có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thì các khoản vay của doanh nghiệp tại các hệ thống ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn.
Đánh giá về các hỗ trợ của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Dương Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, trong năm 2021, số lượng văn bản chính sách mà Chính phủ ban hành để thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế là rất lớn. Trong đó có tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân và gần đây nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã sớm đến được với người dân, đem lại hiệu quả nhất định.
“Về quy trình, thủ tục rút gọn trong việc ban hành chính sách, cũng như cách thức tiếp cận của cơ quan chức năng bao gồm cơ quan thuế đã có rất nhiều điểm khác, cách tiếp cận không còn mang tính truyền thống, mà chúng tôi tiếp cận theo hình thức khá mới, đó là sử dụng thiết bị điện thoại thông minh để tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời nhất, nhanh nhất, chính xác nhất đến người nộp thuế. Do đó, người dân cũng sớm biết được đối tượng của mình ở đâu, có đúng điều kiện hay không, để có văn bản gửi đến cơ quan thuế, từ đó cơ quan thuế nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Sẽ có những giải pháp mới…
Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp, để doanh nghiệp phục hồi “sức khỏe” trong thời gian sớm nhất, thì các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, cơ quan thuế còn phải triển khai rất nhiều giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, quản lý thu hồi nợ đọng, đảm bảo nguồn lực để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương chủ động cân đối ngân sách, nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội cũng như phòng chống dịch bệnh.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để tổ chức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội và Chính phủ giao, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai dự toán thu ngân sách của năm 2021, trong đó yêu cầu Cục thuế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách theo đúng quy định pháp luất và có các văn bản hướng dẫn thi hành, để tổ chức thực hiện tốt việc này.
“Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước đã giao từ ngay những ngày đầu năm. Mặt khác, giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cho cơ quan thuế các tỉnh, thành phố và chỉ đạo cơ quan thuế phải tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp về quản lý thu kịp thời, kiểm tra, rà soát nhóm người nộp thuế và đảm bảo quản lý được 100% số doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh tại địa phương. Cùng với đó là kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng và hóa đơn của doanh nghiệp”, bà Hiền chia sẻ.
Cũng theo bà Hiền, trước bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, với nhiều biến chủng nguy hiểm và lây lan nhanh, trong khi Việt Nam đang thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, vậy để phát triển kinh tế cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý, cũng như cho doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, hiện nay Bộ Tài chính cũng đang dự kiến một số giải pháp về tài chính, tiền tệ, để báo cáo Chính phủ, Quốc hội nằm trong chương trình phục hồi kinh tế tới đây.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa, liên quan đến bố trí kinh phí cho phòng chống dịch bệnh và giãn, giảm, miễn thuế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao điều kiện thực tế, tổng kết và đánh giá hiệu quả để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền, để đưa ra giải pháp phù hợp. Đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch & Đầi tư, các bộ ngành cùng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tạo cơ sở thực hiện các giải pháp tiếp theo.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn