Kon Tum: Nửa nhiệm kỳ mạnh mẽ chuyển mình

Khép lại nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, bức tranh tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum ghi nhận nhiều “gam màu sáng”. Những thành tựu nổi bật đạt được càng củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng bộ tỉnh; đồng thời giúp nâng cao hình ảnh của Kon Tum trong mắt các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Kon Tum: Nửa nhiệm kỳ mạnh mẽ chuyển mình

Bứt tốc mạnh mẽ trên mặt trận kinh tế – xã hội

Dấu ấn đậm nét của tỉnh Kon Tum trong nửa nhiệm kỳ qua là tổ chức triển khai phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đạt nhiều thành quả tích cực. Ước đến cuối năm 2023, quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, gấp 1,32 lần so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 8,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản từ 19,75% năm 2020 xuống còn 19,06%; tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng từ 26,83% năm 2020 lên 31,26%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 57,8 triệu đồng, gấp 1,24 lần năm 2020 và đạt 82,53% mục tiêu đến năm 2025. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4.500 tỷ đồng, gấp 1,28 lần năm 2020 và đạt 90% mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu; đặc biệt diện tích các cây trồng chủ lực tăng cao, trong đó: tổng diện tích cà phê khoảng 29.018 ha, đạt 116%; cao su khoảng 77.341 ha, đạt 110,5%; cây mắc ca khoảng 3.363 ha, đạt 168,15%; cây ăn quả khoảng 10.695 ha, đạt 106,95%; sâm Ngọc Linh khoảng 2.284 ha, đạt 50,76%; cây dược liệu khác khoảng 7.606 ha, đạt 76,06%. Đã thu hút được một số dự án chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, như: dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Sa Thầy; Trang trại chăn nuôi lợn thịt tại huyện Ia H’Drai… Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai, có 188 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, dự kiến cuối năm 2023 có 7 sản phẩm được công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia.

Công nghiệp phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2023 bình quân tăng 16,51%/năm. Công nghiệp chế biến có bước phát triển mạnh, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiềm năng, thế mạnh về thủy điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời được chú trọng phát triển và khai thác hiệu quả…Đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Hệ thống đường giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực. Nhiều dự án về phát triển, chỉnh trang đô thị được triển khai thực hiện.

Kon Tum: Nửa nhiệm kỳ mạnh mẽ chuyển mình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch của tỉnh

Công tác xây dựng Nông thôn mới đem lại kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023 dự kiến có 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 78,33% mục tiêu Nghị quyết; có 10 thôn được công nhận khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu; 19 thôn (thuộc xã đặc biệt khó khăn, biên giới) đạt chuẩn thôn Nông thôn mới.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên lĩnh vực kinh tế thì lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa – thông tin – thể thao, đảm bảo an sinh xã hội…cũng có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Công tác lao động, việc làm và giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện tốt; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,29% năm 2020 xuống còn 6,32% năm 2021 (theo chuẩn cũ) và giảm từ 15,32% năm 2021 xuống còn 10,86% năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên.

Dấu ấn trong thu hút đầu tư

Một “điểm sáng” của tỉnh Kon Tum trong nửa nhiệm kỳ qua nằm ở công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kon Tum đang được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn với chính sách ưu đãi lớn, mặt bằng sạch, thủ tục hành chính tinh gọn; lãnh đạo tỉnh luôn nêu cao tinh thần cầu thị, sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư đến hợp tác. Cùng với nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng được triển khai quyết liệt. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021, là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đã phát huy hiệu quả thiết thực; đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh nhà như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Intracom, Tổng công ty Vinaconex, Vimeco, Công ty Alphanam, Công ty Vị Trí Vàng…Tổng kết trong nửa nhiệm kỳ qua tỉnh đã thu hút được 53 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ đồng. Những địa phương được các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư là Tp.Kon Tum, các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Tô… Ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 985 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 65,67% mục tiêu Nghị quyết.

Kon Tum: Nửa nhiệm kỳ mạnh mẽ chuyển mình

Những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư nửa nhiệm kỳ qua không phải ngẫu nhiên có được mà đó là kết tinh của sự tìm tòi, đổi mới, không ngừng nâng chất các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư gắn với triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư ở mức cao nhất. Theo đó UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết liệt triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI). Hằng tháng, chính quyền tỉnh đều tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và Chương trình Cà phê doanh nghiệp – Doanh nhân nhằm đối thoại trực tiếp và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; hỗ trợ khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện nhanh các thủ tục, đăng ký kinh doanh…

Song song đó tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai các công trình, dự án trên địa bàn, nhất là các công trình lớn, trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu – CCN hiện hữu cũng như đầu tư mới các khu – CCN tại các địa bàn thuận lợi, nhất là KCN tại huyện Đăk Tô, các CCN tại huyện Đắk Hà và Tp.Kon Tum làm tiền đề mời gọi, thu hút các nhà đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân, doanh nghiệp. Thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để, tinh gọn đã giúp môi trường đầu tư của Kon Tum ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực; mức độ hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên. Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức thực hiện công vụ cũng được nâng cao, qua đó đã đẩy mạnh được hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư vào tỉnh nhà.

Đưa Kon Tum phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững

Những thành quả nổi bật đạt được trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong nửa nhiệm kỳ qua là minh chứng cho quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum để đưa kinh tế- xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. Thành công này cũng đồng thời tạo khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh Kon Tum sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và các các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới ban hành. Hoàn thiện, tổ chức triển khai thực hiện có kết quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan để thực hiện công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với các ngành có lợi thế như: công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo.

Duy trì và nâng cao Chỉ số PCI; cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, theo dõi, đôn đốc các dự án đã thu hút đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ đã đăng ký. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, có cơ cấu hợp lý.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai ở những nơi có điều kiện để hình thành vùng sản xuất lớn phục vụ phát triển nông nghiệp. Mở rộng và phát triển bền vững các loại  cây trồng chủ lực như: cây ăn quả, mắc ca, Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển rừng bền vững. Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, du lịch văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực

Song song với các giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chế độ cho các đối tượng thuộc diện chính sách, “đền ơn đáp nghĩa”.

Với quyết tâm chính trị cao nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; với tinh thần, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, ngành cùng sự đồng thuận cao của quân và dân trong tỉnh;vững tin Kon Tum sẽ thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, tạo đà phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Công Luận (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button