Kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp ngành sữa phát triển bền vững
Với mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tuần hoàn, Hội thảo “Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 4 tại Việt Nam – VIETNAM DAIRY 2024”. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam và các doanh nghiệp đã và đang có những giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn thành công như Vinamilk, TetraPak, Nestle, Autotech,…
Kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những lợi ích ở cấp độ toàn cầu, việc áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn và tuân thủ các quy định trở thành một yếu tố quyết định đối với sự thành công của các doanh nghiệp ngành sữa.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế/ không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải; và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế. Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
Từ thực tiễn phát triển ngành sữa Việt Nam, các diễn giả đã trình bày các nội dung: “Kinh tế tuần hoàn, cơ hội và thách thức của ngành sữa Việt Nam”; “Bao bì thực phẩm bền vững và tuần hoàn”; “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng – hướng tới mục tiêu Net Zero”; “Giải pháp tái chế rác thải hữu cơ và giảm phát thải carbon”; “Phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam Cơ hội và thách thức”; “Phòng và điều trị bệnh viêm vú bò trong chăn nuôi bò sữa”…
Trong đó, chủ đề tiến đến Net Zero thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp tham dự trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như lộ trình để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc Điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk, doanh nghiệp đã có 3 đơn vị đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 – cho biết, Net Zero là một hành trình dài hạn và đầy thách thức. Để trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt Net Zero theo tiêu chuẩn PAS2060:2014, Vinamilk đã theo đuổi chiến lược phát triển bền vững từ cách đây nhiều năm với các hành động mạnh mẽ như: ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp; triển khai mô hình trang trại sinh thái Green Farm theo hướng nông nghiệp bền vững; chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hơn; tiến hành đo đạc kiểm kê khí nhà kính tại tất cả trang trại và nhà máy; tham gia ủng hộ sáng kiến Pathways to Dairy Net Zero của ngành sữa thế giới; triển khai các dự án trồng rừng quy mô lớn như Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, Cánh rừng Net Zero Vinamilk…
“Net Zero là một mục tiêu thách thức, không chỉ với riêng ngành sữa trong nước mà cả thế giới. Nhưng đó là con đường không thể khác đi để tạo ra một tương lai bền vững hơn, một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Mục tiêu đó đòi hỏi sự cam kết cao nhất từ lãnh đạo các doanh nghiệp và sự ý thức, đồng lòng của cả tập thể”, ông Minh nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu sữa lớn trong khu vực, theo các chuyên gia, sản phẩm sữa được sản xuất tại Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng, vừa ngon, sạch, giàu dinh dưỡng, vừa hàm chứa nhiều giá trị bền vững với tự nhiên và cộng đồng… các doanh nghiệp sữa trong nước đang tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và những thách thức không nhỏ.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế, việc áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành này.
Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, và doanh nghiệp, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và cùng nhau tạo ra những đổi mới tích cực, những giải pháp cụ thể, tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ góp phần hiện thực hóa tiêu tạo ra một ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
“Triển lãm quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 4 tại Việt Nam – VIETNAM DAIRY 2024” là sự kiện quốc tế chuyên ngành quan trọng về lĩnh vực này được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Việt Nam với sự ủng hộ của các Bộ, ban ngành hữu quan.
Triển lãm năm nay được tổ chức với chủ đề “Bạn khoẻ mạnh, Việt Nam khoẻ mạnh” do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, phối hợp cùng Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức.
Văn Linh / Ảnh : BTC