Kiên nhẫn “dò sóng” cổ phiếu

Các cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh, nên nhà đầu tư cần thận trọng, kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Sau nhịp tăng mạnh lên gần sát 1.300 điểm, thị trường đã có một nhịp điều chỉnh giảm và hiện tại đang loanh quanh mốc 1.250 điểm.

Kiên nhẫn “dò sóng” cổ phiếu
VN-Index vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy.
Tính đầu cơ lớn

Năm 2023, chúng ta chứng kiến một sóng tăng từ vùng 1.030 điểm lên 1.250 điểm, rồi lại điều chỉnh mạnh về 1.020 điểm vào cuối tháng 10. Đây là sóng tăng với tiêu điểm là lãi suất thấp. Mặc dù kết quả kinh doanh cho thấy không có quá nhiều đột biến nhưng giá rất nhiều cổ phiếu nhóm này tăng cực mạnh, thậm chí gấp 2-3 lần như SSI, BSI, FRT, FTS… Dù đang gặp vô vàn khó khăn nhưng nhiều cổ phiếu bất động sản cũng có mức tăng ngược từ đáy gấp 2-3 lần như DIG, HDC, PDR… Điều cần lưu ý duy nhất trong sóng tăng này là nhóm ngân hàng đi ngược lại nên VN-Index đã không thể tăng mạnh.

Tuy nhiên bước sang năm 2024, dòng tiền bắt đầu lan tỏa sang nhóm cổ phiếu ngân hàng- nhóm gần như duy nhất không tăng mạnh trong năm 2023. Các cổ phiếu ngân hàng bắt đầu tăng mạnh như ACB, MBB, STB, VCB … với mức tăng 30 – 40%. Cùng lúc đó, nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán cũng tăng trở lại, tạo ra bộ 3 huyền thoại ngân hàng – chứng khoán – thép. Chính nhờ nhóm ngân hàng mà VN-Index đã tiếp cận sát mốc 1.300 điểm khá nhanh.

Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây là giá những cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2023 không điều chỉnh nhiều mà lại tiếp tục leo lên mức cao mới, như VCB, FPT, FRT, DGC, ACV, CMG… Trong khi những cổ phiếu khác dù ở trong giai đoạn điều chỉnh vẫn duy trì ở vùng giá cao. Thống kê cho thấy có một số cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài nên không tăng giá và là một phần tác nhân đến chỉ số như VHM, VIC, MSN, VRE, SAB, BID…

Điểm nhấn quan trọng nữa là giá nhiều cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh không đến từ các yếu tố cơ bản, chỉ phản ánh các thông tin xuất hiện. Dòng tiền tập trung vào một số cổ phiếu như ACV, FOX, CMG, FPT, DGC… Có thể nói tính đầu cơ trên thị trường đã lên mức rất cao, sự kỳ vọng là rất lớn. Nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua vào bất chấp giá đã tăng cực mạnh trước đó và kết quả kinh doanh không thảy đổi nhiều. Ví dụ như nhóm chứng khoán kỳ vọng hệ thống KRX nhưng đến nay chưa thể vận hành, hay như cổ phiếu DGC tăng vượt đỉnh lên hơn 130.000 đồng/cp nhưng kết quả kinh doanh quý 2 lại giảm.

Như vậy có thể thấy giá của hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đã tăng khá tích cực trong hơn 1 năm qua tính từ nhịp tăng cuối tháng 4/2023. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt đều neo ở mức cao. Vì thế, những nhà đầu tư theo trường phái cơ bản tìm kiếm cơ hội đầu tư có mức định giá tốt thật sự khó khăn.

Kiên nhẫn “dò sóng” cổ phiếu

Khó tìm cơ hội đầu tư

Cũng cần lưu ý rằng, trong hơn 4 tháng đầu năm nay, thị trường tài chính Việt chứng kiến khá nhiều những bất thường. Đầu tiên là giá chung cư tăng đột biến tạo ra làn sóng tăng giá chưa từng có. Giới đầu tư bất động sản có thể sẵn sàng đẩy giá bất kể chung cư nào, kể cả chung cư cũ, lên mức giá cao. Thứ hai là giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh từ vùng 66.000 đồng/lượng lên đỉnh 92.000 đồng/lượng. Thứ ba là tỷ giá từ vùng 23.200 đồng/USD lên 25.400 đồng/USD, tăng khoảng 8-10% tùy thời điểm. Một vấn đề nữa ít được quan tâm là số lượng tài khoản đầu tư tiền điện tử tăng mạnh và Việt nam đã nằm Top 2 thế giới với tỷ lệ 21,2% dân số đang sở hữu tiền số (Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A).

Những bất thường này cùng với đà tăng của TTCK cho thấy dòng tiền đang lùng sục khắp nơi bởi người dân cho rằng mức lãi suất tiền gửi ngân hàng quá thấp, không bù đắp được kỳ vọng và chi phí tăng cao. Thực tế này cho thấy dòng tiền đang chảy ra quá nhiều kênh đầu tư rủi ro. Với kịch bản như trên, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trở lại, và điều này chắc chắn sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế cũng như dòng tiền chảy vào TTCK.

Một điểm nữa cũng không mấy tích cực là việc nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng. Tổng giá trị bán ròng 4 tháng đầu năm là 14 nghìn tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 họ bán ròng 23 nghìn tỷ đồng. Ngay cả trong tháng 5, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và có thể sẽ kéo dài chuỗi bán ròng này lên 10 tháng liên tiếp. Câu hỏi đặt ra chưa có lời giải đáp chính đáng là tại sao họ lại liên tục bán ròng, trong khi các nhà đầu tư nội đang đặt rất nhiều kỳ vọng nâng hạng thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn có nhiều kỳ vọng và bám víu lấy những điểm sáng như nền kinh tế vẫn đang có tốc độ tăng trưởng tích cực 5,6% trong quý 1 và kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu đề ra. Dòng vốn FDI tăng mạnh khi trong 4 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch. Cuối cùng là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vẫn duy trì mức cao với hơn 500 nghìn tài khoản từ đầu năm cũng tạo ra hiệu ứng tốt cho thị trường.

Với tất cả các yếu tố như trên, trong ngắn hạn thật khó để tìm ra cơ hội tích cực. Nếu có thêm nhiều yếu tố bất lợi diễn ra, VN-Index có thể bị điều chỉnh về những mốc quan trọng như 1.200 điểm và đáy gần nhất là 1.150 điểm.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button