Kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện

Trước các bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho Dự án chuyển tiếp, 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ…

Theo đó, tại nội dung văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cho biết, với tư cách là các nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió, ủng hộ mạnh mẽ đối với “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam” được phê duyệt tại Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 và “Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” được phê duyệt tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 năm 2021. Trên thực tế, các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần đưa tổng công suất lắp đặt của nguồn điện mặt trời, điện gió từ mức không đáng kể trong giai đoạn trước năm 2019 tăng lên 26% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam vào năm 2021.
Kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện
36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ – Ảnh minh họa
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.676,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (Dự án chuyển tiếp). Chính việc chậm tiến độ này làm cho các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như được Quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
Trong đó, đặc biệt là nhóm 34 Dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động (theo thông tin cập nhật đến tháng 3 năm 2023). Các Nhà Đầu Tư cũng đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện
Trong đó, các nhà đầu tư mong muốn, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và thực hiện chỉnh sửa những bất cập nhằm bảo đảm việc ban hành cơ chế giá phát điện cho Dự án chuyển tiếp – Ảnh minh họa

Theo các nhà đầu tư, sau thời gian dài chờ đợi, các chính sách áp dụng cho các Dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công Thương ban hành theo các văn bản: Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 của Bộ Công Thương quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (Thông tư 15); Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (Quyết định 21); và Thông tư 01/2023/TT-BCT ngày 19/01/2023 của Bộ Công Thương về bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư quy định thực hiện phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu (Thông tư 01)

“Tuy nhiên, trái ngược với mong chờ của nhà đầu tư, các quy định tại Quyết Định 21 và Thông Tư 01 đã khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, có thể đẩy nhà đầu tư lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản”, các nhà đầu tư bày tỏ.

Tại văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cũng quan ngại, các văn bản đã nêu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra. Trong đó, cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch; cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân hàng.

Cụ thể, theo các nhà đầu tư, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án năng lượng, dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ, đồng thời làm suy giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Với mong muốn tạo dựng một cơ chế phù hợp thực tiễn, mang lại hiệu quả đầu tư và tuân thủ các quy định hiện hành về khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, tại văn bản kiến nghị của mình, các nhà đầu tư cũng đã trình bày chi tiết các bất cập và các điểm chưa phù hợp trong việc ban hành cơ chế giá phát điện cho các Dự án chuyển tiếp.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và thực hiện chỉnh sửa những bất cập nhằm bảo đảm việc ban hành cơ chế giá phát điện cho Dự án chuyển tiếp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như tạo nên môi trường thu hút nhà đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể: Tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21/QĐ-BCT; Ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về Hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi; Cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng; Hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button