Kích cầu tăng trưởng – Cần thực chất bằng chính sách thuế

Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đà tăng trưởng, theo chuyên gia, giải pháp thực chất lúc này là chính sách thuế…

Theo thống kê, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60 – 65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 – 55% GDP, đây được cho là một trong 4 trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024 được thông qua ở mức 6 – 6,5%, kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo hiệu ứng lan tỏa, sẽ tạo đà cho tăng trưởng chung.

Kích cầu tăng trưởng - Cần thực chất bằng chính sách thuế

Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60 – 65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 – 55% GDP – Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế đã chuyển biến tích cực hơn từ quý IV thì đẩy mạnh hơn nữa việc kích cầu tiêu dùng là rất cần thiết, bởi Việt Nam là nền kinh tế có khung hướng tiêu dùng biên khá cao, trong 100 đồng người dân tạo ra, có thể dùng tới 60 – 70 đồng để chi tiêu, thậm chí là vay với mục đích tiêu dùng.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, theo các chuyên gia, tiêu dùng nội địa là bệ đỡ quan trọng cho năm 2024, với sức lan tỏa mạnh mẽ cho các ngành khác, nhất là sản xuất hàng Việt, các ngành dịch vụ…

Nhìn nhận về thực tế này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho hay, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế, gồm: Tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của doanh nghiệp; chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng. Với mỗi chính sách, phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế.

Những năm trước đây, kích cầu gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế… điều đó có nghĩa, các động lực tăng trưởng cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công cũng vậy, phải lan tỏa được ra nền kinh tế.

Kích cầu tăng trưởng - Cần thực chất bằng chính sách thuế

Theo chuyên gia, để kích cầu tăng trưởng, thúc đẩy tiêu dùng thì giải pháp thực chất lúc này là chính sách thuế – Ảnh minh họa: ITN

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 20 triệu người trung lưu đang tạo ra sức cầu rất lớn. Dự báo năm 2026, sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu.

Thu nhập của 1 người chia ra hai phần, chi tiêu và tiết kiệm. Tại Việt Nam, đối với tầng lớp trung lưu, khuynh hướng tiêu dùng cận biên là khá cao, trong 100 đồng tạo ra, người dân có thể dùng tới 60-70 đồng để chi tiêu thêm, thậm chí còn lớn hơn, đi vay để chi tiêu, còn người có thu nhập thấp, xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Do đó, kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, ngoài ra, tiêu dùng của nước ngoài rất quan trọng.

“Năm 2024, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu không có đột phá. Mỹ là 1 nền kinh tế tiêu dùng, cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Mỹ lại gắn với nhập khẩu nhiều. Và tăng trưởng ngoại thương cần nhìn nhận sâu hơn, tăng trưởng xuất khẩu nhưng lại gắn với nhập khẩu các yếu tố đầu vào kích thích các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, nên cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.

Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt” cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế giá trị gia tăng lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài, như trong 2 năm, thay vì giảm từng lần 6 tháng sẽ khó tạo động lực cho thị trường, bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bởi, thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu, cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp.

Cùng với đó, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước, bởi bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, chuyên gia kinh tế – TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, Chính phủ nhiều lần dùng “3 động lực phát triển” là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng “cỗ xe tứ mã” gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa, đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Theo TS. Trần Du Lịch, vừa qua Quốc hội đã quyết định kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) còn 8%, nhiều ý kiến kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng. Đây là công cụ quan trọng, nếu giảm thuế GTGT nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước nhưng nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện, ngành du lịch cũng linh hoạt nhiều chương trình, giải pháp kích cầu.

“Điểm cuối cùng, để gỡ cho nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế. Có nhiều việc Chính phủ đã làm trong 2023, nay cần tiếp tục để tạo hiệu quả hơn để khai thác thị trường nội địa”, vị chuyên gia này bày tỏ.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button